Về quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt thì quan điểm phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung sẽ tập trung vào các ngành kinh tế biển để vùng trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm gắn với phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước, trong đó xây dựng Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương; là một cực tăng trưởng; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế; trung tâm thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của tiểu vùng, trong đó dẫn đầu cả nước về hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Phát triển Phú Yên và Khánh Hòa thực sự là các trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế của khu vực với các lợi thế về cảng biển và sân bay. Phát triển Bình Thuận, Ninh Thuận và các khu vực có tiềm năng thành trung tâm năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế biển như: du lịch, khai thác hải sản, khai thác khoáng sản, giao thông biển và dịch vụ hàng hải; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ phục vụ dịch vụ đánh bắt và neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; phát triển dịch vụ hỗ trợ nghề cá xa bờ kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, đặc biệt tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Phát triển ngành thương mại, dịch vụ cảng biển, dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch biển, nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, di tích lịch sử. Xây dựng Khánh Hòa thành trung tâm thương mại tiểu vùng Nam Trung Bộ, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, khu vực trọng điểm du, phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển – đảo.
Nhất là phát triển một số trung tâm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng mang tầm khu vực và quốc tế, trong đó tập trung phát triển các trung tâm du lịch lớn tại: thành phố Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang và các đô thị có tiềm năng, lợi thế khác để ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm; ưu tiên phát triển thành phố Đà Nẵng, Nha Trang trở thành trung tâm du lịch của cả nước, đóng vai trò là cửa ngõ thu hút khách theo đường không, đường biển, đường bộ và là động lực thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và cả vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển có sức hấp dẫn cao khách quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu. Phát triển một số trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định và lấy Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái hang động và khu bảo tồn đa dạng sinh học, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch di sản gắn với “con đường di sản miền Trung.
Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi, chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là từ nguồn năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi gắn kết với phát triển hệ thống cảng biển, nuôi biển giá trị cao ngoài khơi và một số lĩnh vực năng lượng mới. Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển lên khoảng 50% GRDP của vùng, là động lực chính phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển và bảo vệ môi trường biển;
Hương Giang