Hội thảo là diễn đàn để đại biểu hai nước chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 29/10, Hội thảo khoa học đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất bán dẫn Việt Nam-Nhật Bản đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka, thành phố Fukuoka, Nhật Bản.
Sự kiện là dấu mốc quan trọng đối với hợp tác Việt-Nhật trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Hội thảo được tổ chức dưới sự phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Viện Nghiên cứu Khoa học tổng hợp – Đại học Kyushu và Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản, với sự tham gia của 150 đại biểu trực tiếp và 200 đại biểu trực tuyến.
Về phía Việt Nam, đại biểu gồm có bà Vũ Chi Mai – Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghệ Thông tin và Học viện Bưu chính Viễn Thông, cùng Hội Chuyên gia Việt Nam-Nhật Bản, Hiệp hội Công nghệ thông tin Việt Nam tại Kyushu; Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu.
Phía Nhật Bản có sự tham gia của bà Omagari Akie, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka; Hạ nghị sỹ, Tiến sỹ Soramoto Seiki, chuyên gia về năng lượng nguyên tử và bán dẫn; ông Hoshinomi Tsuaki, Cục trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu; ông Fujishima Yasuyuki, Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản (HuRedee); ông Tanimoto Jun, Phó Hiệu trưởng, Đại học Kyushu và đại diện đại học Hiroshima.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về việc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo là diễn đàn để đại biểu hai nước chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội thực tập và lao động cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn điện tử; đề xuất và triển khai các kế hoạch hợp tác dài hạn trong việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, bà Vũ Chi Mai – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka nhấn mạnh: “Chất bán dẫn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp hiện đại, là nền tảng công nghệ cho các ngành sản xuất thiết yếu. Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này là vô cùng ý nghĩa.”
Phía đối tác Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn và xác định Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản để phục hưng và phát triển ngành công nghiệp không thể thiếu này trong tương lai.
Tiến sỹ Tanimoto Jun – Phó Chủ tịch điều hành Đại học Kyushyu Nhật Bản cho biết: “Công nghiệp bán dẫn đang ngày càng trở nên quan trọng và mang tầm chiến lược, Nhật Bản hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu-phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể đơn độc đạt được mục tiêu, trong khi Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Do đó, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, đang có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu về chất bán dẫn tại Đại học Kyushyu. Những người này sẽ trở thành nòng cốt trong mạng lưới chất bán dẫn Nhật Bản-Việt Nam.”
Trong khi đó, theo Hạ nghị sỹ Soramoto Seiki, cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang tập trung phát triển ngành bán dẫn, vì vậy, việc hợp tác, chia sẻ kỹ thuật và nhân lực giữa hai quốc gia là rất quan trọng để thúc đẩy công nghệ trong ngành này.
Bên cạnh sản xuất và nâng cao kỹ thuật, hợp tác giữa hai nước còn bao gồm việc đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các cơ hội kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm bán dẫn của hai nước vào thị trường quốc tế thông qua quan hệ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và phát triển ứng dụng.
Riêng về Kyushu và thành phố Fukuoka – nơi ngành bán dẫn đang phát triển mạnh, đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá đây sẽ là khu vực tiềm năng cho hợp tác về nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka – bà Omagari Akie, chia sẻ tại Kyushu nói chung và tỉnh Fukuoka nói riêng, ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh với khoảng 1.000 công ty liên quan đến nhiều khía cạnh của sản xuất bán dẫn.
Fukuoka có khoảng 400 trong số những công ty đó, bao gồm các công ty liên quan đến lập kế hoạch và thiết kế, vật liệu, thử nghiệm và nhiều lĩnh vực khác.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn, tỉnh Fukuoka đã tiên phong trong cả nước khai trương Trung tâm Huấn luyện lại về bán dẫn Fukuoka vào tháng 8/2023 nhằm tăng cường nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn tại Kyushu và Nhật Bản, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh và các ngành công nghiệp liên quan đến kỹ thuật số khác.
Cục trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu – ông Hoshino Mitsuaki nhấn mạnh tiềm năng hợp tác nguồn nhân lực với Việt Nam.
Theo ông, trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng, nhân lực từ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nói chung và trong ngành bán dẫn của Nhật Bản nói riêng.
Tới đây, Nhật Bản sẽ phải đưa các giải pháp để thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có cả các sinh viên Việt Nam vào lĩnh vực này. Nhật Bản hiện đang thực hiện kế hoạch đầu tư lớn vào ngành bán dẫn, đặc biệt ở Kyushu và kỳ vọng hợp tác với Việt Nam để xây dựng chuỗi cung ứng và phát triển ngành bán dẫn trong tương lai.
Trong khi đó, ông Fujishima Yasuyuki, Chủ tịch Tổ chức hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản (HuRedee) đã nhấn mạnh quá trình hình thành, hợp tác giữa Huredee với 3 trường đại học Việt Nam (Đại học Bách khoa, Trường Đại học Giao thông-Vận tải, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có lĩnh vực chất bán dẫn.
Ông kỳ vọng trong 2 ngày hội thảo, các học giả sẽ thảo luận về nhiều thách thức mà HuRedee và các đối tác Việt Nam đã và đang đối mặt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thông qua các cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng, Hội thảo có thể đi đến kết luận về các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Kết thúc phiên làm việc ngày 29/10, Ban tổ chức đã tổ chức lễ ký kết tuyên bố chung về “Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn” giữa đại học Kyushu, Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực và việc làm Nhật Bản với Đại học Bách khoa, Trường Đại học Giao thông Vận tải và Trường Đại học Công nghệ Thông tin của Việt Nam.
Theo kế hoạch, Hội thảo khoa học đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất bán dẫn Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 30/10 tại Chikushi Campus, Đại học Kyushu.
Vietnamplus.vn
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hoi-thao-khoa-hoc-doi-moi-sang-tao-va-nhan-luc-chat-ban-dan-viet-nam-nhat-ban-post988304.vnp