Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Thuế cho phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Tăng thuế vì lợi ích “ba nhà”
Tại phiên họp, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, ông Lê Quang Mạnh – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, về thuế suất 5%, có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%. Có ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường và người nông dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
“Để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7” – ông Mạnh nêu quan điểm.
Dẫn chứng các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón (ví dụ Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới là hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 11% với phân bón; Nga là đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững), ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như: Thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón có lợi cho “ba nhà”, đó là nhà nông, nhà nước và DN. Theo ông An, với thuế GTGT, đầu vào – đầu ra phải đi cùng với nhau. Đầu ra không chịu thuế, đầu vào không được khấu trừ. Ví dụ DN mua sản phẩm đầu vào 80 đồng, họ sẽ chịu thuế GTGT đầu vào là 8 đồng; giá phân bón bán ra 100 đồng. Nếu không được khấu trừ, nguyên tắc họ sẽ phải đưa vào chi phí, tính vào giá, giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu đánh thuế 5%, DN đó được khấu trừ 8 đồng, giá bán sẽ chỉ là 105 đồng.
“Việc áp thuế 5% này chỉ ảnh hưởng đến DN nhập khẩu, còn DN trong nước cũng được bảo vệ, người dân sẽ có cơ hội giảm giá. Nguyên tắc làm giá không phải cứ tăng thuế 5% thì giá sẽ tự động tăng 5% và người dân bị chịu ảnh hưởng” – ông An nói.
Áp thuế, nhưng mức bao nhiêu?
ĐBQH Lê Thị Song An (Đoàn Long An) đề nghị, Ban soạn thảo nên cân nhắc và chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Bởi vì, thuế GTGT là một loại thuế gián thu và cuối cùng người phải gánh chịu thuế chính là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân.
Việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng giá phân bón trên thị trường và điều này sẽ tạo ra những tác động không hề nhỏ đối với ngành nông nghiệp và người nông dân. Trong khi đó ngành nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn bấp bênh, thiếu bền vững, đầu ra sản phẩm nông nghiệp vẫn còn cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm nước ngoài. “Đứng về phía người dân, chúng ta sẽ thấy người dân sẽ phải gánh chịu mức giá phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp sẽ tăng theo, làm tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón, Nhà nước và DN có thể sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại là người chịu thiệt thòi nhất” – bà An nói.
Cùng quan điểm, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phân tích rằng, thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng, trước hết là dùng phân bón và thực phẩm nông sản. Do đó cần nghiên cứu kỹ, bởi khi người nông dân mua phân bón thì không có hoá đơn, vậy làm gì được khấu hao, khấu trừ đầu vào? Nên đánh thuế 5% thì người nông dân phải chịu.
Ông Hạ kiến nghị nên đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT nhưng thuế suất bằng 0% để các DN sản xuất phân bón được khấu trừ đầu vào, có lợi cho DN, còn người nông dân không phải chịu tăng 5%.
Đề xuất mức thuế suất 5%
Giải trình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà giá phân bón phụ thuộc vào giá thành sản xuất, phụ thuộc vào thị trường, phục thuộc vào cung cầu. Thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, phụ thuộc năng suất lao động, phụ thuộc của cá nhân công, phụ thuộc vào các yếu tố khác, phụ thuộc vào hiện đại hóa và điều đặc biệt là phụ thuộc vào cung cầu.
Khi chúng ta đang thực hiện không thu thuế đối với mặt hàng này giai đoạn 2018-2022 thì giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% đến 43,6%. Thuế GTGT vẫn không thu, điều đó có nghĩa phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu. Nhưng năm 2023 thì giá đạm ure lại tăng lên 6,29 đến 6,4% vì chiến tranh của Nga – Ukraine. Vì cầu cao mà cung ít, cho nên phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu.
Cũng theo ông Phớc, khi chúng ta đưa thuế vào thì đúng là tăng giá. Tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu. Giá nhập khẩu có nghĩa là DN trong nước của chúng ta sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước. Vì vậy, khi giá nhập khẩu tăng lên thì DN trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Như vậy, DN của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ vì hàng hóa nhập vào nhiều, DN trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ.
“Lợi ích để đảm bảo cho DN trong nước là rất tốt và tạo điều kiện để DN trong nước cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm. Như vậy, sẽ giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón. Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị đại biểu ủng hộ cho phương án như đã trình, tức là thuế suất 5% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giá” – ông Phớc nói.
Ngày làm việc thứ 8 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV
Ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe các nội dung sau: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước…; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: việc đáp ứng các mục tiêu về cải cách hệ thống thuế; việc quy định mức thuế suất 5% (đối với phân bón; nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt…); đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng… Kết thúc thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án luật: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ban-khoan-khi-ap-thue-voi-phan-bon-10293379.html