An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng, núi non hùng vĩ, nhiều dân tộc, tôn giáo cùng chung sống lâu đời, tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc. So với các địa phương khác, An Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với lợi thế khác biệt rõ nét về mặt địa hình, khi vừa có đồng bằng và đồi núi.
Tuy nhiên du lịch An Giang hiện chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có do đó để phát triển du lịch hiệu quả An Giang đã đề ra các nhiệm vụ và chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc khắc phục tồn tại để tạo sự đồng thuận của người dân, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm của các cấp chính quyền để đưa du lịch An Giang xứng tầm khu vực. Theo đó An Giang đã đưa ra các giải pháp như đẩy mạnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch… để An Giang trở thành là một trong những trung tâm du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn; chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhân dân tham gia hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đề án, kế hoạch về xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch về du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch.
Với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn đầu tư theo quy định tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện kế hoạch, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sở Tài chính cân đối ngân sách, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện kế hoạch lồng ghép trong dự toán được giao năm 2024 của các cơ quan, đơn vị và các nguồn huy động hợp pháp khác theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát đề xuất ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, môi trường để thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có quan tâm đến lĩnh vực du lịch, hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục đất đai, môi trường đối với các dự án trọng điểm về du lịch, lập thủ tục cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất kịp thời cho từng dự án. Phối hợp với UBND cấp huyện triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án về hoàn thiện hạ tầng giao thông, dự án về du lịch phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh.
Tiếp tục hoàn thiện và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện.
Phối hợp, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giám sát về môi trường liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường du lịch của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch gắn với các hoạt động của ngành nông nghiệp và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng, quản lý các công trình phục vụ cho phát triển du lịch theo Chương trình Phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh có liên quan đến một số hoạt động của ngành nông nghiệp.
Sở Công Thương tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Đặc biệt quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn với các loại hình hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai xây dựng và phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024; phát triển, duy trì, nâng chất và đa dạng ngành hàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Thoại Sơn, Chợ Mới; duy trì, nâng chất các cửa hàng nông sản an toàn và các chợ được xây dựng theo mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;… để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó tỉnh An Giang cũng giao cho các sở ngành liên quan xử lý về các vấn đề về lĩnh vực ngành như giao thông vận tải, xây dựng, thông tin và Truyền thông, ngoại vụ. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Báo An Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nhằm đổi mới công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều kênh thông tin, nhất là trên các kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, có sức hấp dẫn, thuyết phục du khách quốc tế…phấn đấu năm 2024 An Giang đón 09 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch, điểm tham quan, trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 800.000 lượt, 25.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.200 tỷ đồng.
Thu Hằng