Một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh thường gặp phải khi con học tiểu học là việc mất đồ dùng học tập. Những cuốn sách, cây bút, hộp bút hay thước kẻ liên tục “bốc hơi” một cách khó hiểu.
“Học sinh (HS) tiểu học còn nhỏ nên chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của đồ dùng cá nhân. Cứ vài ngày, con trai tôi (đang học lớp 4) lại bảo: Mẹ ơi, con mất bút”, chị Bùi Thị Cẩm Tiên, phụ huynh ở H.Hóc Môn (TP.HCM), chia sẻ.
Một số phụ huynh đề phòng bằng cách mua sẵn bút trữ ở nhà nhưng không cho con biết. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, phụ huynh có con học lớp 4 ở Q.10 (TP.HCM), chia sẻ cách chị giúp con giữ gìn đồ dùng học tập. “Tôi thường mua sẵn 5 cây bút để dự trữ ở nhà nhưng không cho con biết, mỗi lần đi học thì chỉ đưa cho con một cây, có một cái nên con không làm mất được”, chị Lan nói. Bên cạnh đó, chị còn áp dụng một mẹo nhỏ: chọn những cây bút có họa tiết mà con yêu thích hoặc mua sticker dễ thương để con dán lên đồ dùng. “Nhờ vậy, con giữ gìn đồ cẩn thận hơn vì đó là những món đồ con thích”, chị chia sẻ thêm.
Trong Chương trình GDPT 2018, những bài học về bảo quản đồ dùng cá nhân được giảng dạy trong các môn như đạo đức kể từ lớp 2. Cô Nguyễn Hoàng Duy Hiếu, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12, TP.HCM), chia sẻ cách mà cô áp dụng cho HS.
Theo cô Hiếu, HS có thể ghi tên hoặc đánh dấu riêng lên tất cả vật dụng để dễ nhận diện khi bị thất lạc. Việc sử dụng hộp bút hoặc túi để đựng các món đồ học tập cũng là một cách giúp HS có thói quen sắp xếp gọn gàng.
“Cuối mỗi giờ học, giáo viên dành một phút yêu cầu HS kiểm tra lại ngăn bàn, dưới chân và kiểm đếm lại các vật dụng trong hộp. Giáo viên lưu ý với HS việc các em cần có ý thức trách nhiệm bảo quản đồ dùng học tập góp phần giúp tiết kiệm tiền của cha mẹ”, cô Hiếu nói. Để hỗ trợ HS tìm lại đồ thất lạc, cô Hiếu còn tạo một góc đồ dùng chung trong lớp, nơi các em có thể để lại đồ nhặt được và giúp bạn bè tìm lại.
Để giúp HS hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tiết kiệm, cô Hiếu đã đưa ra một bài toán chi tiêu. “Một năm học có 10 tháng, nếu con chỉ dùng 5 cây bút chì và 3 cục gôm, chi phí chỉ khoảng 40.000 đồng. Nhưng nếu mỗi tuần sử dụng đến 2 cây bút và 2 cục gôm, chi phí sẽ là 20.000 đồng/tuần, và sau 35 tuần, con sẽ tốn tới 700.000 đồng…”, cô Hiếu nói. Qua đó, cô khuyên các con không nên phung phí mà cần biết trân trọng đồ dùng học tập, bởi ngoài đồ dùng học tập, gia đình còn rất nhiều chi phí khác cần chi trả.
Cô Hiếu cũng khuyên phụ huynh không nên mua đồ dùng đắt tiền cho trẻ, mà chỉ nên chọn những món đồ thông dụng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Khánh Chi, Giám đốc đào tạo Trung tâm GLink Academy (TP.HCM), để khắc phục tình trạng này, phụ huynh nên để con tự lựa chọn đồ dùng theo sở thích, khắc tên hoặc đánh dấu lên từng món đồ. Điều này giúp trẻ gắn bó hơn với đồ dùng và có trách nhiệm bảo quản chúng. Bên cạnh đó, phụ huynh nên thường xuyên dạy con nhận dạng, gọi tên đồ dùng cá nhân và để con tự soạn đồ trước khi đến trường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/day-con-biet-cach-bao-quan-do-dung-hoc-tap-185241029151853934.htm