Bỏ xa đối thủ mạnh đến từ Mỹ, đội ngũ an ninh mạng Viettel vừa giành chiến thắng tại Cuộc thi an ninh mạng Pwn2Own, bảo vệ thành công danh hiệu vô địch. Thành tích này khẳng định vị thế của Viettel trong lĩnh vực an ninh mạng toàn cầu.
Tại Cuộc thi Pwn2Own 2024 được tổ chức tại Ireland ngày 25.10, đội ngũ an ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS) đã giành ngôi vô địch. Đây là lần thứ hai liên tiếp đội ngũ an ninh mạng Viettel vô địch Pwn2Own – một trong những cuộc thi an ninh mạng lớn nhất và uy tín nhất thế giới.
Các nhóm hacker mũ trắng và nhóm nghiên cứu bảo mật từ khắp nơi trên thế giới cạnh tranh để tìm ra và khai thác các lỗ hổng zero-day (lỗ hổng bảo mật chưa từng được biết đến) trên các thiết bị phổ biến như điện thoại thông minh, camera an ninh, thiết bị văn phòng và các phần mềm được nhiều doanh nghiệp sử dụng.
Tại Pwn2Own 2024 có 8 hạng mục, tập trung vào các thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), đòi hỏi các chuyên gia bảo mật không chỉ am hiểu mã nguồn mà còn có kiến thức cách thức các hệ thống AI lưu trữ, xử lý dữ liệu và vận hành trong thiết bị. Tại đây, đội ngũ an ninh mạng Viettel khai thác thành công ở các hạng mục camera giám sát, loa thông minh, máy in, thiết bị lưu trữ gắn mạng (NAS), bộ định tuyến văn phòng (SOHO).
Đội Viettel đạt 30 điểm, bỏ xa đội Mỹ hạng nhì 12,75 điểm
Điểm thách thức của năm nay là hầu hết thiết bị AI có tính năng tự động phát hiện và xác thực người dùng dựa trên học máy, tự động cập nhật và điều chỉnh để phát hiện các hành vi bất thường, còn gọi là lớp bảo vệ động. Do đó, việc tìm lỗ hổng và chiếm quyền các thiết bị trở nên khó khăn hơn.
Đây cũng là các thiết bị do các công ty công nghệ lớn phát triển, trải qua quá trình kiểm thử nghiêm ngặt và liên tục cập nhật bảo mật. Vì vậy, Pwn2Own không chỉ là cạnh tranh giữa các nhóm nghiên cứu bảo mật mà còn là “cạnh tranh” với các hãng công nghệ lớn.
Trên mỗi thiết bị, VCS nghiên cứu mã nguồn và thử nghiệm các kịch bản tấn công khả thi. Nhóm xác định các lỗ hổng khó, ít có khả năng trùng lặp với các nhóm khác, để trình diễn trực tiếp và chiếm quyền truy cập hoặc điều khiển thiết bị (lỗ hổng trùng lặp không được tính là hợp lệ).
Đội ngũ an ninh mạng Viettel đã phát hiện và khai thác 9 lỗ hổng zero – day trên các sản phẩm của HP, Canon, Synology, QNAP Systems… và đạt 33 điểm, gần gấp 2 lần đội đứng thứ hai là Team Cluck từ Mỹ với 17,25 điểm. Tiếp theo trong bảng xếp hạng là Midnight Blue từ châu Âu, Neodyme từ Đức và DEVCORE từ Đài Loan (Trung Quốc), đều là các nhóm đã từng tham gia và đạt kết quả cao tại Pwn2Own và các cuộc thi bảo mật khác.
Các thiết bị VCS tìm kiếm lỗ hổng và khai thác tại Pwn2Own 2024 là camera an ninh Lorex 2K, camera AI Synology TC500, camera Ubiquiti AI Bullet, loa thông minh Sonos Era 300, máy in HP Color LaserJet Pro, máy in Canon imageCLASS MF656Cdw, thiết bị lưu trữ QNAP TS-464, thiết bị lưu trữ TrueNAS Mini X.
Phần thưởng cho mỗi lỗ hổng tìm được từ 20.000 – 50.000 USD và tổng giải thưởng tại Pwn2Own vào khoảng 1 triệu USD, trong đó đội ngũ an ninh mạng Viettel nhận được hơn 200.000 USD. Các lỗ hổng được VCS phát hiện cũng giúp các nhà sản xuất cải thiện tính bảo mật của thiết bị, tránh lọt lộ hình ảnh, dữ liệu của các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng.
Trước đó, tại Cuộc thi Pwn2Own 2023, đội Viettel đã hoàn thành xuất sắc các phần thi với tổng điểm 30, bỏ xa đội hạng nhì 12,75 điểm. Các kỹ sư trẻ Việt Nam giành chức vô địch Pwn2Own một cách thuyết phục, giành điểm số tuyệt đối ở cả 7 hạng mục thi đã đăng ký, mang về tiền thưởng 180.000 USD.
Các sản phẩm được tìm ra lỗi gồm Xiaomi 13 Pro, hệ thống lưu trữ QNAP, máy in Canon, HP, Lexmark, loa thông minh Sonos và SOHO Smashup. Chiến thắng này đồng thời đánh dấu sự bứt phá mới cho ngành an toàn thông tin Việt Nam khi lần đầu lên ngôi vô địch tại một giải đấu quốc tế danh giá.
Ngoài các giải thưởng tại Pwn2Own, các kỹ sư trẻ của Công ty VSC còn phát hiện hơn 400 lỗ hổng bảo mật Zero-day của các nền tảng, hệ thống công nghệ thông tin lớn như Microsoft, Oracle, Google, Apache, VMWare…
Pwn2Own là cuộc thi bảo mật được Zero Day Initiative (ZDI) tổ chức từ năm 2007 đến nay. ZDI là một chương trình do công ty bảo mật Trend Micro sáng lập vào năm 2005, nhằm thúc đẩy việc phát hiện và công bố các lỗ hổng bảo mật chưa được biết đến trước đây (zero-day), bảo vệ người dùng. Khi một lỗ hổng được phát hiện và báo cáo qua ZDI, chương trình sẽ phối hợp với nhà phát triển thiết bị, phần mềm để khắc phục để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho người dùng.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viettel-lan-thu-2-vo-dich-the-gioi-cuoc-thi-an-ninh-mang-185241029153326696.htm