Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. Kim ngạch thương mại song phương những năm gần đây luôn đạt khoảng 5 tỷ USD. Tính đến tháng 6/2024, UAE có tổng cộng 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 72 triệu USD. Những năm gần đây, UAE chủ động thúc đẩy xu thế hòa dịu tại khu vực và tích cực triển khai chính sách “Hướng Đông”, coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng, Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn dự Hội nghị – Ảnh: Internet.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc Vương quốc Saudi Arabia (27/10 đến 01/11). Chuyến thăm nhằm củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ của Việt Nam với các nước, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với UAE, Saudi Arabia và Qatar, đặc biệt là tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp, trong chuyến thăm, hai bên dự kiến nâng cấp quan hệ; ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA), thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.
Với việc nâng cấp quan hệ và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), quan hệ Việt Nam – UAE sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, việc hai nước Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), hiệp định tự do thương mại đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước A rập ở khu vực Trung Đông – châu Phi, sẽ mở ra những triển vọng to lớn, một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE.
Trong khi đó, Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh. Là cái nôi của đạo Hồi, Saudi Arabia có ảnh hưởng quan trọng trong thế giới Hồi giáo, các nước Arab và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999, quan hệ Việt Nam – Saudi Arabia phát triển tích cực. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 2,7 tỷ USD. Tính tới hết tháng 12/2023, cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia có khoảng 4.000 người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời phỏng vấn của kênh tin tức tài chính Asharq Economy with Bloomberg về Chiến lược “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
\Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng cho biết: Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Saudi Arabia diễn ra vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đây cũng là chuyến thăm Saudi Arabia lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm liên tiếp. Thực tế này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với việc thúc đẩy quan hệ với Saudi Arabia nói riêng và với các nước vùng Vịnh nói chung và cũng thể hiện kỳ vọng, sự quan tâm ngày càng lớn của phía bạn đối với Việt Nam. Với ý nghĩa quan trọng đó, chuyến thăm của Thủ tướng là cột mốc mới trong quan hệ hợp tác song phương.
Đối với Qatar, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng…; thúc đẩy các hình thức hợp tác liên doanh, hợp tác đầu tư chung.
Hoạt động hết sức quan trọng của Thủ tướng tại Saudi Arabia năm nay là tham dự và phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 (FII8) về triển vọng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính là khách mời chính và Lãnh đạo Cấp cao duy nhất của châu Á phát biểu tại Hội nghị do Saudi Arabia chủ trì tổ chức. Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng: Khu vực vùng Vịnh là những thị trường, những nhà đầu tư, những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ mà tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn. Theo đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng.
Chuyến thăm ba nước UAE, Qatar, Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sinh động đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó ưu tiên đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước./.
Công Đảo