Là huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, Chợ Đồn có dân số gần 55.000 người, với hơn 94% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Các chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) là lĩnh vực được ưu tiên, nhưng địa phương này đang gặp khó khi triển khai.
Đến nay 100% xã, thị trấn của huyện Chợ Đồn đã có đường nhựa và đường bê tông đến trung tâm xã; hơn 96% thôn (tổ dân phố) có đường giao thông từ trung tâm xã, thị trấn đến các thôn, bản được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, thông suốt.
Nhiều lĩnh vực khác của huyện Chợ Đồn cũng đạt kết quả cao, như: 98,5% người dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về trạm y tế; 23/47 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trung bình toàn huyện Chợ Đồn đạt 13,8/19 tiêu chí. Toàn huyện có 10/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Đồng Thắng).
Tuy nhiên, tổng số hộ nghèo, cận nghèo đến hết năm 2023 của huyện Chợ Đồn vẫn còn rất nhiều, chiếm lên tới gần 20% và cơ bản là hộ đồng bào DTTS. Cụ thể, toàn huyện có 1.724 hộ (chiếm 13,04%) và 860 hộ cận nghèo (chiếm 6,5%).
Huyện Chợ Đồn đã lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, an sinh xã hội (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường lớp học, xóa nhà tạm dột nát, đào tạo nghề). Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhìn chung các tiêu chí nông thôn mới cơ bản được xây dựng phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tuy nhiên việc triển khai thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, trong đó là vấn đề nguồn vốn đầu tư còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Bản thân bà con đồng bào tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật còn thụ động; diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế trang trại chưa phát triển.
Việc triển khai các chính sách dân tộc tại huyện Chợ Đồn gặp phải khó khăn, mà nguyên nhân đến từ việc địa phương này không có cơ quan chuyên môn là Phòng Dân tộc giống như các địa phương khác. Hiện đây là lĩnh vực kiêm nhiệm của Văn phòng HĐND – UBND huyện.
Ông Chu Văn Triều – Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Chợ Đồn cho biết, hiện Văn phòng có 8 người làm công tác chuyên môn, gồm cả lãnh đạo và chuyên viên thực hiện 4 nhiệm vụ tham mưu là HĐND, UBND, Y tế, Dân tộc. Trong đó nhiệm vụ chính vẫn là công tác tham mưu cho HĐND và UBND, nên chỉ bố trí được 1 Phó Văn phòng theo dõi mảng dân tộc, chứ không thể làm nhiệm vụ chuyên trách.
Trước đây, khi chưa thực hiện Chương trình MTQG 1719, với 2 biên chế của Văn phòng được giao theo dõi mảng dân tộc cơ bản đáp ứng được công việc. Nhưng theo ông Triều, từ năm 2020 đến nay, rất khó trong thực hiện nhiệm vụ, làm hạn chế hiệu quả việc triển khai các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS.
Văn phòng HĐND – UBND huyện Chợ Đồn được giao Chủ trì thực hiện 4 tiểu dự án Chương trình MTQG 1719 với kinh phí lớn (năm 2024 là trên 6 tỷ đồng, bao gồm cả chuyển nguồn), khi xây dựng dự toán và thực hiện phải nghiên cứu nhiều văn bản hướng dẫn nên rất khó khăn trong thực hiện. Chuyên viên, lãnh đạo Văn phòng còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác.
Ông Triệu Huy Chung – Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồng cho rằng, với số lượng kinh phí và biên chế của Văn phòng HĐND – UBND huyện Chợ Đồn như hiện nay, việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ là rất khó khăn, không kịp thời. Trong khi đó, Chương trình MTQG 1719 thực hiện đến năm 2030 và xa hơn, yêu cầu cần chuyên môn sâu, dành nhiều thời gian để nghiên cứu.
Thời điểm hiện tại, việc chuyển nhiệm vụ công tác Dân tộc về Văn phòng HĐND -UBND huyện chưa phù hợp do khác chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng; đồng thời hạn chế về biên chế, khó khăn khi tham mưu triển khai các chính sách dân tộc.
Theo ông Chung, UBND huyện Chợ Đồn đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Bắc Kạn xem xét cho chủ trương thành lập Phòng Dân tộc cấp huyện để làm nhiệm vụ tham mưu về công tác dân tộc, tổ chức triển khai thực hiện và phát huy được hiệu quả cao từ của các Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.
Năm 2017, thực hiện chủ trương chung của tỉnh Bắc Kạn, bãi bỏ Phòng Dân tộc và Phòng Y tế huyện, đồng thời chuyển chức năng, nhiệm vụ về Văn phòng HĐND – UBND huyện. Lãnh đạo UBND huyện giao nhiệm vụ theo dõi mảng Dân tộc cho 1 Phó Văn phòng và bố trí 1 chuyên viên làm nhiệm vụ tham mưu thực hiện công tác dân tộc.
Nguồn: https://daidoanket.vn/go-kho-trong-trien-khai-chinh-sach-dan-toc-10293313.html