NDO – Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tuần qua nổi lên các chiêu trò kêu gọi quyên góp tiền từ thiện, dẫn dụ nạn nhân cài đặt app ngân hàng giả mạo, lừa tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe để bán thuốc dởm…
Lợi dụng vụ cháy chùa Vạn Phật (tổ 1, phường Hoa Lư, TP Pleiku) vào chiều 22/9, một số kẻ lừa đảo đã lập các trang Facebook mang tên chùa để kêu gọi quyên góp tiền nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
Sau vụ cháy chùa Vạn Phật gây thiệt hại lớn vào chiều 22/9, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một số trang giả mạo chùa để kêu gọi quyên góp. Chùa Vạn Phật đã ra thông báo về việc không có bất cứ lời kêu gọi đóng góp nào qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, ngày 22/10, trên mạng xã hội Facebook tiếp tục xuất hiện một trang có tên “Chùa Vạn Phật” để kêu gọi quyên góp với thủ đoạn rất tinh vi. Theo đó, trang này có ảnh đại diện và ảnh bìa giống hoàn toàn với trang chính thức của chùa Vạn Phật, dễ gây hiểu nhầm với người xem. Trang này có 8,1 nghìn lượt thích, 9,2 nghìn lượt bình luận, được thành lập ngày 9/6/2024. Trên giao diện chính của trang, đối tượng lừa đảo đã tải nhiều hình ảnh, video, hoạt động của trang thật để tạo niềm tin cho người xem, thậm chí còn chạy quảng cáo trên Facebook để tiếp cận được nhiều người và đã nhận được sự tương tác khá lớn.
Đặc biệt, trong ngày 22/10, các đối tượng lừa đảo đã đăng tải bài viết với nội dung kêu gọi ủng hộ xây dựng chánh điện. Các đối tượng còn nêu rõ: “Đây là tài khoản duy nhất dành riêng cho chương trình thiện nguyện của nhà chùa do Đại đức Thích Đồng Giải quản lý và thống kê minh bạch”. Tuy nhiên, các đối tượng lại đưa ra số tài khoản tại Ngân hàng quốc tế VIB, chủ tài khoản có tên Hà Huy Hoàng. Sau khi trang Facebook này thành lập, một số người phát hiện là trang lừa đảo đã vào bình luận nhưng bị các đối tượng xóa bình luận và chặn không cho truy cập.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.
Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, bảo đảm sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, bạn nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Lợi dụng công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn chung của đối tượng lừa đảo chiêu trò trên thường là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức (chạy quảng cáo, phát tán tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân…) nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Kịch bản lừa đảo của đối tượng thường liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người dân như: mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản…
Sau đó, các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.
Đáng chú ý là hiện tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt app giả mạo trên điện thoại. Các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin rồi thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Người dân cần thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ.
Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Hiện nay tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình có thể kể đến là tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín “tư vấn sức khỏe”, hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, bà D.N.L ở (55 tuổi, TP Hồ Chí Minh) bị bệnh xương khớp lâu năm nên có tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe để giao lưu cũng như chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh của mình. Thời gian gần đây, trên nhóm có đăng một số bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu quả.
Thấy có khuyến mãi nên bà đã mua về sử dụng và được gửi ngay sau đó. Khi nhận sản phẩm, nhận thấy thuốc hơi khác, bà có đến phòng mạch để hỏi bác sĩ thì bác sĩ tư vấn là thuốc này hoàn toàn không trị được bệnh khớp.
Thủ đoạn chung của các đối tượng trên là tạo lập các Fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia. Ban đầu, các đối tượng mời tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị.
Tại đây, các đối tượng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục.
Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.
Trước thủ đoạn lừa đảo nói trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội.
Trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy.
Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Thời gian gần đây, nhiều người dân Australia báo cáo rằng họ nhận được những tin nhắn, email đến từ CentreLink (Cơ quan an sinh xã hội Australia), thông báo về một khoản tiền trợ cấp và yêu cầu làm theo hướng dẫn để nhận tiền. Thực chất, đây là thủ đoạn lừa đảo mới được đối tượng xấu sử dụng nhằm đánh cắp thông tin nhạy cảm của người dân.
Các đối tượng chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn điện thoại hoặc email, giả mạo là nhân viên Centrelink và tuyên bố rằng nạn nhân đã đủ điều kiện để nhận một khoản tiền trợ cấp.
Để gia tăng tính thuyết phục, các đối tượng dựa vào tuổi tác, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp của nạn nhân để đưa ra các khoản trợ cấp tương ứng. Sau đó, để tiến hành nhận tiền, người dân sẽ được yêu cầu truy cập vào một đường link giả mạo đính kèm trong tin nhắn.
Sau khi nhấn vào đường link, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web với giao diện giống với cổng thông tin chính thống, yêu cầu người truy cập cung cấp các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, số căn cước công dân, mã an sinh xã hội, mã thẻ tín dụng… để xác minh danh tính và tiến hành thủ tục nhận tiền.
Trước thực trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân người dân để cao cảnh giác trước các tin nhắn, cuộc gọi thông báo nhận được những khoản tiền đáng ngờ. Cẩn trọng xác minh thông tin người gửi, đơn vị công tác thông qua cổng thông tin hoặc các trang web uy tín.
Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không thực hiện chuyển tiền khi chưa xác minh được danh tính đối tượng. Khi bắt gặp dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng chặn tin nhắn, đồng thời tình báo với cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời ngăn chặn hành vì lừa đảo và điều tra, truy vết đối tượng.
Mới đây, chính quyền Canada đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo công ty điện lực Sask Power, gửi tin nhắn đến người dân yêu cầu thanh toán những khoản phí nợ thông qua hình thức chuyển khoản trực tuyến.
Các đối tượng tự nhận là nhân viên làm việc tại công ty điện lực, gửi hóa đơn thanh toán trễ hạn bao gồm thông tin và địa chỉ nhà của nạn nhân thông qua email, yêu cầu truy cập vào đường dẫn để tiến hành các thủ tục thanh toán.
Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng đính kèm số điện thoại phía cuối tin nhắn, dụ dỗ nạn nhân gọi điện để xác thực và giải quyết những khúc mắc. Sau khi nạn nhân thực hiện cuộc gọi, các đối tượng sử dụng giọng điệu cấp bách, khẩn trương, nói rằng nguồn điện nơi nạn nhân sinh sống sẽ bị ngắt trong vài giờ tới, yêu cầu nhanh chóng thanh toán khoản nợ.
Để thanh toán một cách thuận tiện và nhanh chóng, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về nơi đăng ký tài khoản ngân hàng, sau đó gửi đường dẫn và khuyến khích nạn nhân truy cập bằng thiết bị điện thoại có cài sẵn ứng dụng ngân hàng trực tuyến.
Sau khi truy cập, đường dẫn sẽ tự động chuyển hướng tới màn hình giao dịch, yêu cầu nạn nhân xác nhận để hoàn tất thành toán.
Qua thủ đoạn lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận được tin nhắn, email yêu cầu thanh toán các khoản phí. Cẩn thận xác minh kỹ thông tin, danh tính của người gửi email, đơn vị công tác thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống.
Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn lạ, không thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản đáng ngờ khi chưa xác thực được thông tin. Khi bắt gặp hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo với lực lượng chức năng, cơ quan công an địa phương để kịp thời tiến hành điều tra và truy vết đối tượng, ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Nguồn: https://nhandan.vn/ro-cac-chieu-tro-lua-dao-tu-thien-ban-thuoc-dom-gia-mao-ung-dung-ngan-hang-post839060.html