(Báo Quảng Ngãi)- Đồng bào Hrê vùng rẻo cao Ba Bích vẫn thường nhắc đến tổ Làng Diều, thuộc thôn Làng Mâm, xã Ba Bích (Ba Tơ) là ngôi làng của những tấm lòng. Bởi người dân nơi đây đã cùng nhau góp đất để cả làng có nơi an cư mới và đoàn kết, tương trợ nhau xây dựng cuộc sống mới no đủ và ấm áp tình người.
Gian khó có nhau
Trong ngôi nhà sàn vững chãi, tọa lạc gần điểm trường mầm non thôn Làng Mâm, già làng Phạm Văn Rũa, một hộ dân ở tổ Làng Diều, thôn Làng Mâm (Ba Bích) bảo, ngôi nhà sàn mà tôi đang ở, được dựng nên nhờ sự giúp đỡ, quan tâm của cả làng.
Già làng Phạm Văn Mau nhắc nhở người dân Làng Diều cùng đoàn kết, xây dựng quê hương. Ảnh: Ý THU |
Nằm lọt thỏm giữa núi rừng trùng điệp của vùng rẻo cao Ba Bích, đường giao thông từ trung tâm xã vào đến Làng Diều khá trắc trở, gập ghềnh. Mỗi lần làm nhà, người dân nơi đây phải dùng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ để khiêng vật liệu, vì xe chở vật liệu chỉ có thể di chuyển đến khu vực cách làng gần 1km.
Vậy nên, khi nghe tin già làng Phạm Văn Rũa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây nhà đại đoàn kết, người Làng Diều rủ nhau tạm gác việc nhà để dồn sức giúp ông. Cứ thế, người giúp già Rũa vận chuyển vật liệu, người góp ngày công hỗ trợ già Rũa dựng nhà. Cả làng đã giúp già Rũa hơn 200 ngày công lao động. Tiến độ dựng nhà của già Rũa, nhờ vậy mà được rút ngắn. Chi phí dựng nhà của ông, nhờ tấm lòng của người làng, mà giảm đi đáng kể. “Nhà neo người, kinh tế gia đình lại khó khăn. Cũng may mà người làng đã chung tay, đồng lòng giúp đỡ gia đình tôi”, già Rũa cho hay.
Không chỉ giúp đỡ người già trong làng, người Làng Diều còn chẳng nề hà khó nhọc, tiếp tục góp công, góp của để làm nhà cho anh Phạm Văn Troi (31 tuổi), người vừa chuyển nhà từ xã Ba Trang (Ba Tơ), về sinh sống ở Làng Diều.
An cư trên mảnh đất nghĩa tình
Không phải đến bây giờ, người Làng Diều mới phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau. Mà từng tấc đất của làng bây giờ cũng là từ sự đóng góp, hiến tặng của các cá nhân có tấm lòng rộng mở.
Người Làng Diều thường xuyên đến thăm hỏi gia đình anh Phạm Văn Cường (bên trái) – một hộ được người dân trong làng giúp đỡ ngày công để xây dựng nhà ở. Ảnh: Ý THU |
“Ngày trước, người dân Làng Diều sống rải rác dưới chân núi Gò Pót chứ chưa sống tập trung như bây giờ. Năm 2011, núi Gò Pót sạt lở, đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. Thời điểm đó, địa phương khá trăn trở trong tìm mặt bằng tái định cư. Bởi với địa hình miền núi, để tìm kiếm được một mặt bằng đủ rộng, bằng phẳng lại gần nơi sản xuất để người dân khi tái định cư được thuận lợi trong sinh sống, sản xuất là một vấn đề nan giải”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Bích
PHẠM VĂN MANH
|
Cũng theo ông Manh, sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng địa phương đã tìm được một vị trí khá thích hợp, chỉ cách vị trí sạt lở gần 2km. Tuy nhiên, phần diện tích này lại là khu đất ở, đất vườn… của 5 hộ dân ở tổ Làng Diều. Song, điều đáng mừng là, các hộ dân này đã đồng hành cùng địa phương, đồng thuận hiến tặng gần như toàn bộ đất ở, đất vườn, với tổng diện tích gần 4ha. Trên cơ sở đó, UBND huyện Ba Tơ đã gấp rút hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư tổ Làng Diều vào năm 2013 và di dời toàn bộ hộ dân sống ở vùng sạt lở đến nơi ở mới.
Trong 5 hộ dân hiến đất, người hiến nhiều nhất là già làng Phạm Văn Mau (89 tuổi). Ngay khi địa phương vừa đến nhà vận động, ông đã đồng ý hiến tặng gần 1,5ha đất ở, đất ruộng của gia đình, để người Làng Diều sớm rời khỏi khu vực sạt lở núi. “Ngày đó, tôi đang có nhà, có ruộng ở ngay thung lũng trù phú, bằng phẳng, lại gần con suối Nước Niên lúc nào cũng ăm ắp nước. Nhưng rồi, thấy cảnh bà con ở khu vực nứt núi chạy xuống nhà tôi xin trú nhờ mỗi khi mưa to, tôi liền hiến đất làm khu tái định cư ngay khi địa phương đề xuất, chứ không đắn đo, chần chừ. Từ ngày có khu tái định cư, là tôi mất ruộng, phải mua gạo để ăn. Nhưng tôi ưng cái bụng lắm! Vì thấy mọi người được sống ở nơi an toàn”, già Mau tâm sự.
Nhờ tấm lòng rộng mở của 5 hộ dân Làng Diều, 41 hộ gia đình với hơn 200 nhân khẩu của làng đã được an cư trên mặt bằng tái định cư khang trang, kiên cố. Có mặt bằng rộng rãi, địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng điểm trường mầm non cho trẻ em nơi đây. Hơn 20 trẻ tại thôn Làng Mâm nhờ vậy mà có trường học kiên cố để học tại chỗ.
Điểm trường mầm non thôn Làng Mâm được xây dựng trên phần đất do người dân hiến. Ảnh: Ý THU |
“Chúng tôi mãi nhớ và biết ơn tấm lòng hào hiệp của già Mau, anh Hoạt, anh Đách, anh Màu, anh Lý. Bởi mọi người đã không ngần ngại tặng rất nhiều đất đai, để chúng tôi không chỉ có nơi để làm nhà, mà còn có đất để làm chuồng trại chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Hơn nữa, kể từ ngày cả làng sống tập trung ở nơi mới, đường đến trường của con em trong làng cũng thuận tiện hơn. Nhất là các cháu học mầm non, các cháu có trường mới để học ngay tại làng”, chị Phạm Thị Hiền, ở Làng Diều mừng vui nói.
Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
Tròn 10 năm an cư ở vùng đất mới, Làng Diều từ 41 hộ dân, nay đã phát triển lên hơn 50 hộ. An cư trên mảnh đất đong đầy nghĩa tình, người dân Làng Diều tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng đường giao thông, điện đường và phát động, xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt…
Nhờ anh Đách hiến đất để làm đường, mà đường từ làng đến nơi sản xuất của người dân Làng Diều được mở rộng lên gần 3 mét. Ảnh: Ý THU |
Biết ơn “cây cao, bóng cả”
|
Theo Trưởng thôn Làng Mâm Phạm Văn Đền, Làng Diều nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa nhất của xã. Nhưng đến nay, hơn 50% đường giao thông tại làng đều đã có điện đường. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp rất lớn của người dân để cùng chính quyền địa phương hoàn thành các công trình. Cùng với đó, người dân địa phương còn chủ động rủ nhau thực hiện mô hình thu gom rác thải sinh hoạt, góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh – sạch hơn.
Là một trong những hộ dân từng hiến tặng gần 5.000m2 đất để có mặt bằng an cư cho người dân Làng Diều, anh Phạm Văn Đách lại vừa góp thêm hơn 1.000m2 đất để mở rộng đường giao thông. Nhờ tấm lòng của anh, mà tuyến đường dẫn từ làng đến nơi sản xuất của người dân từ con đường mòn giờ đã mở rộng lên gần 3m. “Ngày trước, đường từ làng đến nơi sản xuất là con đường mòn nhỏ hẹp, nên chúng tôi chỉ có thể đi bộ. Còn giờ, sau khi được anh Đách nhường đất để làm đường, chúng tôi đã có thể thuận lợi dùng xe máy để chở lúa về tận nhà, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức!”, ông Phạm Văn Hoạt, ở Làng Diều vui mừng cho biết.
Phát huy tinh thần đoàn kết, người Làng Diều còn rủ nhau quan tâm, giúp đỡ những gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự bằng những việc làm thiết thực, như phụ giúp các gia đình gặt lúa, thu hoạch keo, rau màu… Người Làng Diều còn tự quy ước với nhau rằng, khi người trong làng không may ốm đau, hoặc gặp rủi ro, tai nạn, tất cả người làng đều chung tay đóng góp tiền hoặc hiện vật, để đồng hành cùng các gia đình vượt qua khó khăn. Với người Làng Diều, tinh thần đoàn kết, yêu thương và chia sẻ giữa người làng với nhau, giống như sông, như suối, cứ chảy mãi theo tháng năm, giúp cuộc sống của người làng ngày một ấm no, hạnh phúc hơn…
Ý THU