Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đang giành lợi thế so với đối thủ từ Đảng Dân chủ Kamala Harris trong các cuộc thăm dò ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tăng trưởng thấp, nợ công cao và xung đột leo thang là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự chính thức tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong vài năm trở lại đây.
Nhưng năm nay có phần đặc biệt hơn khi các nhà lãnh đạo tài chính phải dành phần lớn sức lực của mình để lo lắng về những tác động tiềm tàng mà kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ mang lại. Họ cũng “nín thở” chờ xem liệu ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ vào Nhà Trắng.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang giành lợi thế so với đối thủ từ Đảng Dân chủ trong các cuộc thăm dò gần đây, khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Ngày Bầu cử ở “xứ cờ hoa” (ngày 5/11).
Không khó để biết đâu là một phần của hầu hết mọi cuộc thảo luận giữa các quan chức tài chính, các chủ tịch ngân hàng trung ương và đại diện các nhóm xã hội dân sự tham dự các cuộc họp tại Washington, D.C. vào tuần trước.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Politico
Trong số những lo ngại là khả năng ông Trump, nếu đắc cử, có thể đảo ngược hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách tăng thuế quan ồ ạt, phát hành thêm hàng nghìn tỷ USD nợ, hay ủng hộ sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn.
“Mọi người dường như lo lắng về việc không dám chắc ai sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, và những chính sách nào sẽ được thực hiện dưới thời tân Tổng thống mới”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cho biết.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, có khả năng gây ra sự trả đũa và làm tăng chi phí.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã nói với Reuters hôm 25/10 rằng sẽ chỉ có “lưỡng bại câu thương” trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU.
Ông Trump cũng đã tìm cách thu hút cử tri Mỹ bằng nhiều ưu đãi về thuế, từ việc gia hạn tất cả các khoản cắt giảm thuế cá nhân năm 2017 đến miễn thu nhập từ tiền boa, tiền làm thêm giờ và các chế độ hưu trí an sinh xã hội.
Các nhà phân tích ngân sách cho biết, điều này sẽ làm tăng thêm ít nhất 7,5 nghìn tỷ USD nợ mới của Mỹ trong một thập kỷ, ngoài mức tăng trưởng nợ 22 nghìn tỷ USD trước đó được Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính đến năm 2034.
Ngược lại, kịch bản bà Harris thắng được các quan chức tài chính coi là sự tiếp nối việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tái tham gia vào hợp tác đa phương trong 4 năm qua về khí hậu, thuế doanh nghiệp, xóa nợ và cải cách ngân hàng phát triển. Các kế hoạch của bà cũng có khả năng làm tăng nợ, nhưng ít hơn nhiều so với ông Trump.
Ông Biden vẫn giữ nguyên mức thuế trước đây của ông Trump đối với hàng nhập khẩu thép, nhôm và hàng hóa Trung Quốc, nhưng tăng mạnh đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Á trong các ngành công nghiệp mới như xe điện và năng lượng mặt trời. Bà Harris đã tán thành cách tiếp cận “có mục tiêu” này, và chỉ trích các kế hoạch thuế quan rộng rãi của ông Trump là mức đánh thuế tiêu dùng 4.000 USD đối với các gia đình Mỹ.
Những lo ngại về việc ông Trump thay đổi hoàn toàn về thương mại và chi tiêu đã nảy sinh khi IMF tuyên bố rằng cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu phần lớn đã giành chiến thắng mà không có tình trạng mất việc làm lớn, vì sự lành mạnh của nền kinh tế Mỹ đang bù đắp cho tình hình kém hơn ở Trung Quốc và châu Âu.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva thúc giục các nhà hoạch định chính sách bắt đầu thu hẹp mức nợ khổng lồ do đại dịch Covid-19 gây ra, hoặc các nền kinh tế phải đối mặt với tương lai tăng trưởng thấp khiến dân số ngày càng bất mãn.
Khi được hỏi về kịch bản ông Trump trở lại đã tác động như thế nào đến các cuộc họp và lời khuyên về chính sách của IMF, bà Georgieva cho biết các cuộc thảo luận tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế hiện tại.
“Cảm nghĩ của các thành viên là việc bầu cử là của người dân Mỹ”, bà Georgieva phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây. “Điều chúng tôi cần xác định là những thách thức là gì và IMF có thể giải quyết những thách thức này một cách xây dựng như thế nào”.
nguoiduatin.vn
Nguồn:https://www.nguoiduatin.vn/kinh-te-toan-cau-cung-nin-tho-cho-ket-qua-bau-cu-tong-thong-my-204241028203410472.htm