Giấm táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc dùng giấm táo sai cách sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng, nhất là khi các thông tin thiếu cơ sở khoa học tràn lan trên mạng xã hội.
Nhiều lợi ích từ giấm táo
Theo thạc sĩ – bác sĩ Dương Phan Nguyên Đức, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, giấm táo (apple cider vinegar) nếu được sử dụng đúng cách, với liều lượng hợp lý có thể mang lại nhiều lợi ích như sau:
Hỗ trợ tiêu hóa: Giấm táo kích thích sản xuất enzyme tiêu hóa và tăng cường axit dạ dày, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn.
Kiểm soát cân nặng: Axit acetic trong giấm táo có thể tạo cảm giác no lâu, từ đó giảm lượng calo tiêu thụ.
Hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Một số nghiên cứu cho thấy giấm táo giúp cải thiện độ nhạy insulin và phần nào giúp giảm mức đường huyết sau bữa ăn.
Kháng khuẩn nhẹ: Với đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, giấm táo có khả năng ngăn ngừa một số bệnh nhiễm khuẩn nhẹ.
Tuy có công dụng tốt, nhưng ngày nay, nhiều thông tin truyền miệng trên mạng xã hội về giấm táo đã khiến nhiều người tin rằng đây là một phương thuốc “tự nhiên” có thể dùng hằng ngày mà không có rủi ro.
“Lợi bất cập hại” khi dùng giấm táo tùy tiện
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyên Đức cho biết, sử dụng giấm táo sai cách hay quá liều có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng mà nhiều người không chú trọng, không biết tới.
Do có tính axít nên nếu giấm táo được uống trực tiếp, không pha loãng sẽ làm mòn men răng, gây ra hiện tượng ê buốt, thậm chí là đau và dễ dẫn tới sâu răng; gây kích ứng niêm mạc và viêm loét thực quản, trào ngược dạ dày.
Việc dùng quá nhiều giấm táo còn có nguy cơ giảm mức kali trong máu, ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi, làm tăng nguy cơ loãng xương. Điều này là vô cùng bất lợi đối với nhóm người trung niên, người lớn tuổi và những người có bệnh lý về xương khớp. Ngoài ra, ở một số bệnh nhân đang điều trị bệnh kết hợp dùng thuốc, giấm táo còn có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc nhất định.
Chính vì những hệ quả trên, bác sĩ Nguyên Đức đã nêu ra những đối tượng nên thận trọng hoặc tránh dùng giấm táo hoàn toàn để đảm bảo sức khỏe:
Người bị viêm loét, trào ngược dạ dày: Vì axit acetic trong giấm táo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Người có bệnh thận: Thận phải làm việc nhiều hơn để xử lý axit, do đó giấm táo có thể gây quá tải và ảnh hưởng đến chức năng thận.
Người dùng thuốc điều trị tiểu đường, thuốc lợi tiểu: Giấm táo có thể tương tác với insulin và thuốc lợi tiểu, làm tăng nguy cơ hạ kali máu hoặc hạ đường huyết quá mức.
Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai: Trẻ em nên hạn chế dùng giấm táo, vì axit trong giấm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày và hệ tiêu hóa đang phát triển của trẻ. Phụ nữ mang thai cũng nên thận trọng vì giấm táo có thể gây trào ngược.
>>> Bài tiếp sau: Người cao tuổi lưu ý khi dùng giấm táo
Nguồn: https://thanhnien.vn/giam-tao-tot-nhung-dung-lam-theo-nhung-cach-dung-khong-dung-tren-mang-xa-hoi-18524102817391532.htm