Chiều 28/10, cuối phiên thảo luận tại Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc nêu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, vốn tín dụng.
Về tiếp cận tín dụng, bà Hồng cho biết vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thường yêu cầu giá trị lớn và thời hạn dài, vì vậy cần phải được huy động từ nhiều kênh và vốn ngân hàng chỉ là một kênh.
Theo quy định, các tổ chức tín dụng sẽ tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay, thời hạn, lãi suất…
Các tổ chức tín dụng ngoài kinh doanh theo mục đích kinh doanh của mình còn phải luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; phải đảm bảo thu hồi vốn để sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền, nếu không có thể sẽ gây hệ lụy đến chính tổ chức tín dụng cũng như đối với an toàn của hệ thống và nền kinh tế.
“Vì thế, ngay cả khi có những dự án khả thi và có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay vì có thể thời hạn vay của dự án này không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng”, bà Hồng cho hay.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng rất nhanh. Hiện nay dư nợ của tín dụng bất động sản lên đến 3,15 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.
Nhắc lại thời điểm mà “đại biểu Quốc hội vẫn chưa quên” về sự cố rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB, bà Hồng cho biết đây là một sự cố rút tiền hàng loạt quy mô lớn chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng lan truyền đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước phải đặt mục tiêu cao nhất đó là đảm bảo an toàn hệ thống, cụ thể phải đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền để tránh khủng hoảng tài chính.
“Tôi rất nhớ, tại kỳ họp tháng 10/2022, Thống đốc khi được phát biểu cũng đã nói là tùy từng thời điểm phải ưu tiên mục tiêu cao nhất. Chính vì như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất trong tháng 10 cũng như chưa nới room tín dụng để mọi biện pháp đảm bảo cải thiện thanh khoản cho hệ thống.
Khi hệ thống thanh khoản cải thiện, đến tháng 12, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, như vậy mới đem đến sự ổn định cho đến ngày hôm nay. Vào thời điểm đó, bản thân các tổ chức tín dụng rất lo ngại vì người dân sẽ rút tiền tại tổ chức tín dụng của mình. Cho nên, các tổ chức tín dụng rất thận trọng khi cho vay mới, đặc biệt đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài”, bà Hồng cho hay.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân cũng như phải đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: https://vtcnews.vn/thong-doc-ngan-hang-noi-ve-su-co-rut-tien-lon-chua-tung-co-tai-scb-ar904442.html