Giải pháp nào để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, nhất là năng lực tự học khi việc dạy thêm và học thêm được công khai, minh bạch
Giải pháp nào để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, nhất là năng lực tự học khi việc dạy thêm và học thêm được công khai, minh bạch và được thừa nhận chứ không còn cảnh “úp úp, mở mở” như trước đây?
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm. Theo đó, giáo viên được dạy thêm ở trong và ngoài trường học và đối với học sinh của mình đang dạy trên lớp. Quy định này có thể làm cho dạy thêm và học thêm tăng lên và liệu nó có mâu thuẫn với mục tiêu phát triển năng lực học sinh, trong đó, năng lực tự chủ và tự học đặt lên hàng đầu?
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý từ 22/8 đến 22/10. Khi chính thức ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Lý do khiến dạy thêm, học thêm vẫn cao
Theo Bộ GD&ĐT, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành nhưng ngoài thời lượng quy định của chương trình, có thu thêm tiền ngoài học phí của học sinh.
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, cần xem xét vấn đề dạy thêm, học thêm từ nhiều góc độ khác nhau như: Chương trình giáo dục; kiểm tra, đánh giá, thi cử; tâm lý của phụ huynh, học sinh; phương pháp giảng dạy của giáo viên; lương và đời sống của giáo viên… Với cách tiếp cận này, đã có nhiều ý kiến phân tích, lý giải nhưng vẫn không đưa ra được giải pháp quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả và vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy đối với học sinh và xã hội. Theo TS Nguyễn Phương Chi – Đại học Pennsylvania (Mỹ), để hiểu sâu sắc hơn về dạy thêm, học thêm, cần phân tích vấn đề này dưới các thuyết xã hội, như thuyết chức năng và thuyết xung đột.
Từ góc nhìn của thuyết chức năng, đó là do hệ thống giáo dục còn nặng về truyền thụ một chiều, kiểm tra, đánh giá trọng tâm là kiến thức, kỹ năng nên tạo áp lực dung nạp kiến thức cho học sinh, làm tăng nhu cầu học thêm trong xã hội. Mặc dù, theo Chương trình GDPT 2018, phát triển phẩm chất năng lực học sinh, kiến thức chỉ là điều kiện cần, còn năng lực là khả năng học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, tâm lý của phụ huynh muốn con học thêm để tăng thêm kiến thức và kỹ năng.
Kế đến, dù chất lượng trường công được cải tiến, nhưng hệ thống giáo dục công, chính khóa chưa thỏa mãn nhu cầu về kiến thức, kỹ năng để học sinh vượt qua kỳ thi tuyển đầu cấp, thi vào trường chuyên, vào đại học tốp đầu… nên phụ huynh thường tìm đến các lớp học thêm để bù đắp cho con.
Tâm lý của phụ huynh Việt Nam lo sợ nếu con chỉ tự học thôi sẽ thua kém bạn bè, khó thành công sau này. Ngay cả một bộ phận gia đình khá giả có con học trường tư thục chất lượng cao, trường quốc tế vẫn đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho con học thêm.
Như vậy, lý do để tồn tại của dạy thêm, học thêm là nền giáo dục nặng về lý thuyết, áp lực kiểm tra, thi cử và tâm lý bằng cấp, tâm lý so sánh hơn thua của phụ huynh Việt Nam. Giáo dục chưa dựa trên nền tảng tự học, học thật, thi thật và chất lượng thật, mà còn chạy theo thành tích ảo, như xếp loại học sinh giỏi ngày càng tăng, đỗ tốt nghiệp THPT 100%, đỗ đại học có trường phấn đấu đến 100% bất chấp tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong xã hội…
Gây bất công trong giáo dục?
Từ góc nhìn của thuyết xung đột, sự tồn tại của dạy thêm, học thêm là một thể hiện của phân hóa giai cấp trong giáo dục. Trong đó, học sinh ở tầng lớp xã hội thấp (người nghèo, người khó khăn…) không có điều kiện học thêm sẽ thiệt thòi hơn học sinh ở tầng lớp xã hội cao hơn, có điều kiện đầu tư học thêm nhiều.
Học sinh ở vùng sâu, vùng xa thiệt thòi hơn học sinh ở đô thị khi thiếu thầy, cô giáo giỏi và điều kiện học thêm để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Học sinh thuộc tầng lớp thấp khó vươn lên, cạnh tranh với học sinh ở tầng lớp cao trong các kỳ thi tuyển chọn, thi đầu vào, thậm chí thi tuyển nhân sự, thi vào biên chế trong tương lai.
Dạy thêm, học thêm dưới quan điểm của thuyết xung đột đã “hợp thức hóa” và tiếp tay cho phân tầng giai cấp xã hội, những xung đột và bất công trong xã hội hiện nay về tiếp cận giáo dục. Ví dụ, phổ điểm môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 2 đỉnh, không chỉ phản ánh sự phân hóa chất lượng môn học, mà còn thể hiện sự phân hóa, phân tầng trong xã hội. Dạy thêm, học thêm đã gián tiếp thúc đẩy sự phân hóa, phân tầng trong xã hội và nó cũng phản ánh sự mâu thuẫn giữa yêu cầu đòi hỏi cao và thu nhập còn thấp của giáo viên hiện nay.
Hệ lụy của dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng của học sinh, mang lại lợi ích trước mắt cho một bộ phận học sinh, thu nhập cho một bộ phận giáo viên và kể cả thành tích thi cử của nhà trường tăng lên. Tuy nhiên, dạy thêm, học thêm không có lợi cho hệ thống giáo dục và phát sinh nhiều hệ lụy.
Trước hết, giáo dục mà không dựa trên nền tảng tự học là nền giáo dục không mạnh. Các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức… không có dạy thêm, học thêm nhưng họ đã đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của một thế giới luôn luôn biến động với nhiều thách thức to lớn. Theo TS Lê Đông Phương – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thầy cô vừa giảng dạy trên lớp vừa tham gia dạy thêm sẽ không còn thời gian nâng cao trình độ, sinh hoạt chuyên môn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy.
Dạy thêm, học thêm làm cho quan hệ trong sáng, tình cảm thầy trò bị xói mòn, thầy cô khi đó trở thành người “bán chữ”, đồng thời dẫn đến học sinh bị quá tải, không đủ thời gian cho tự học, suy kiệt, trầm cảm; học sinh được học thêm theo kiểu “học trước” gây khó khăn cho giáo viên giảng dạy trên lớp do trình độ học sinh không đồng đều, nhất là đối với học sinh tiểu học. Đặc biệt, dạy thêm, học thêm làm giảm năng lực tự học – một năng lực rất quan trọng đối với học sinh.
Giải pháp quản lý hiệu quả và giảm dạy thêm, học thêm
Nước ta đang đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018 ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục mới.
Ngoài ra, ngành Giáo dục hiện xây dựng và hoàn thiện chính sách về nhà giáo thông qua dự án Luật Nhà giáo, xác định xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Định hướng phân luồng mạnh sau THCS và THPT đến năm 2030 đạt 50 – 55% học sinh trung học tham gia giáo dục nghề nghiệp; kiểm tra, đánh giá, thi cử giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, trường đại học tự chủ tuyển sinh nhưng có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông…
Tất cả những đổi mới này hy vọng sẽ giảm áp lực cho dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, dạy thêm, học thêm là cái bóng (shadow education) song hành với giáo dục chính khóa, không dễ mất đi. Để “cái bóng” này dần thu nhỏ và giảm tối đa, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, về nhận thức dạy thêm, học thêm là nguyện vọng chính đáng của một bộ phận học sinh, là quyền học tập của cá nhân và giáo viên được phép dạy thêm một cách công khai, minh bạch, không bị ngăn cấm. Nhưng dạy thêm, học thêm cần tuân thủ theo các nguyên tắc theo quy định.
Kế đến, dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi cử đều cần giảm áp lực, hướng đến đánh giá chính xác, công bằng, vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác. Từng bước triển khai hiệu quả, chất lượng Chương trình GDPT 2018, phát triển 5 phẩm chất, và 10 năng lực nơi học sinh. Đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, nâng cao chất lượng dạy 2 buổi/ngày để giảm dạy thêm, học thêm trong trường học.
Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục trải nghiệm đối với học sinh tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đối với học sinh trung học, nhằm giúp học sinh phát hiện khả năng, năng khiếu của mình, chọn nghề nghiệp phù hợp. Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT.
Thứ ba, giáo viên thực hiện dạy thêm, học thêm có lương tâm, không ép học trò, không lợi dụng dạy thêm, học thêm để cung cấp những vấn đề liên quan đến đề kiểm tra trên lớp. Nhà trường chỉ phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu. Cho phép tổ chức, cá nhân mở các lớp/trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mà trường học chưa đáp ứng được.
Thứ tư, phụ huynh và học sinh nhận thức rằng, chỉ có tự học và tự học suốt đời mới đảm bảo cho sự thành công lâu dài, chứ không phải nạp vào đầu học sinh càng nhiều càng tốt. Yêu cầu cao đối với giáo viên phải song hành với trả lương và phụ cấp xứng đáng để họ không ngừng học tập, sáng tạo, phát triển nghề nghiệp của mình.
Dạy thêm, học thêm trên thế giới và Việt Nam
Dạy thêm, học thêm được hiểu là giáo dục tư, kèm thêm ngoài giờ học chính, là một hiện tượng giáo dục phổ biến ở các nước châu Á. Ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ quốc gia về hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, cho biết, nhiều nước châu Á có tỷ lệ học sinh học thêm khá cao, như: Trung Quốc có 73,8% học sinh tiểu học; 65,6% học sinh THCS và 53,5% học sinh THPT.
Tỷ lệ này ở Hàn Quốc lần lượt là 87,9%, 72,5% và 60,5%; Nhật Bản là 15,9%, 65,2% và 24,8%; Azerbaijan có 93,1% học sinh cuối cấp THPT; Mông Cổ có 66% học sinh cuối cấp THPT; Singapore có 97% học sinh phổ thông.
Trung Quốc là một nước có tỷ lệ dạy thêm, học thêm cao ở châu Á, nhưng hiện nay, họ kiên quyết cấm triệt để, kể cả dạy thêm trực tuyến. Chính phủ Hàn Quốc cũng tiến đến kiểm soát ngành dạy thêm, học thêm có doanh số hàng chục tỷ USD, giảm câu hỏi khó trong đề thi tuyển sinh… để giảm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Ở Việt Nam, một nghiên cứu năm 2007 cho kết quả, có từ 46 – 54% học sinh phổ thông học thêm. Trong đó, học sinh tiểu học là 31%, học sinh THCS là 56% và học sinh THPT là 77%. Dạy thêm, học thêm tồn tại dưới 2 hình thức: Trung tâm đào tạo/lớp học thêm được cấp phép và những lớp học thêm tự phát.
Mặc dù bị cấm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, các lớp học thêm tự phát, không đảm bảo điều kiện như quy định, nhưng vẫn tồn tại khắp nơi. Dạy thêm, học thêm là vấn đề nhạy cảm, được xã hội quan tâm và không ít lần làm nóng nghị trường Quốc hội.
Dạy thêm, học thêm tạo nên gánh nặng chi phí cho gia đình. Báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vào tháng 8/2022 chỉ ra rằng, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43% trong tổng chi cho học tập.
Gánh nặng chi phí ăn học, áp lực cạnh tranh vào trường công lập, trường chất lượng cao dẫn đến vợ chồng trẻ ở đô thị ngại sinh con. Dạy thêm, học thêm góp phần làm cho phân hóa, phân tầng trong xã hội ngày càng tăng, tạo nên những xung đột và bất công trong xã hội hiện nay về tiếp cận giáo dục.
Nguồn: https://danviet.vn/hoat-dong-day-them-hoc-them-co-song-hanh-voi-nang-luc-tu-chu-va-tu-hoc-20241028125717468.htm