(CLO) Chiều 27/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Liên lạc cựu học viên Việt Nam của Viện FOJO tổ chức buổi gặp mặt, trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông cho các nhà báo Thụy Điển và tri ân các cán bộ tham dự Dự án “Đào tạo nâng cao báo chí Việt Nam” giai đoạn 1997 – 2014.
Phát biểu tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông với cựu giảng viên, học viên theo Dự án đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ báo chí Việt Nam, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các thế hệ nhà báo Việt Nam – ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT gửi lời cảm ơn tới Nhân dân, Chính phủ Thụy Điển, cụ thể là dự án Đào tạo Nâng cao báo chí Việt Nam do Viện đào tạo nâng cao báo chí Thụy Điển (FOJO) đã giúp đào tạo, nâng cao trình độ cho hàng nghìn phóng viên, nhà báo của Việt Nam qua nhiều năm.
Được biết, dự án bắt đầu triển khai từ năm 1997 với tài trợ của Chính phủ Thụy Điển. Tính riêng giai đoạn 2004 – 2013, FOJO đã đào tạo khoảng 7.000 nhà báo đến từ Việt Nam, chiếm gần một nửa đội ngũ thời điểm đó. Đến nay, nhiều người tốt nghiệp từ khóa đào tạo hiện nắm giữ các chức vụ quan trọng, như ông Lê Quốc Minh – Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Ngọc Quang – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Những gì còn đọng lại ngày hôm nay là nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và tình người”.
“FOJO là câu chuyện về tình bạn, sự tôn trọng, lòng biết ơn và cơ hội học hỏi lẫn nhau. Hãy cùng viết các chương tiếp theo của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này”, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.
Nhân dịp 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông cho các cựu giảng viên của Viện FOJO.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT – người trực tiếp chỉ đạo dự án đã bày tỏ xúc động được dự cuộc gặp mặt đông đủ các các cán bộ, giảng viên của Dự án. “Đây là vinh dự và giúp tôi nhớ lại chặng đường cũng đầy gian khổ nhưng vô cùng vinh quang của nền báo chí Việt Nam khi thực hiện Dự án quan trọng này”.
Nguyên Thứ trưởng bày tỏ tri ân cả những người đã hết sức, hết lòng vì Dự án để Dự án đi đến kết quả. “Đây là Dự án đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại lớn nhất cho báo chí Việt Nam. Trong thời gian 17 năm, với 7.000 lượt nhà báo ở các cơ quan báo chí được đào tạo báo chí qua Dự án đã giúp cho báo chí Việt Nam thay đổi về chất lượng, đặc biệt là kỹ năng báo hiện đại”, ông Doãn chia sẻ.
Bày tỏ vui mừng tham dự buổi gặp mặt, bà Marie-Louise Thaning, Tham tán, Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Kinh tế và Chính trị – Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cảm ơn đặc biệt đến 11 chuyên gia truyền thông Thụy Điển khi những đóng góp của các chuyên gia cho lĩnh vực truyền thông Việt Nam đã được ghi nhận và có tác động đáng kể.
“Chúng tôi mong đợi sự liên kết sẽ làm giàu tình bạn của hai bên và củng cố mối quan hệ của hai nước trong tương lai”, bà Marie-Louise Thaning nhấn mạnh.
Dự án Đào tạo lại báo chí Việt Nam được thực hiện trong giai đoạn 1997 – 2013. Chương trình đã cung cấp đào tạo cho khoảng 5000 phóng viên Việt Nam trong giai đoạn 1998-2011. Đến nay, gần 10 nghìn nhà báo đã được bồi dưỡng nâng cao theo phương pháp làm báo hiện đại. Hoạt động của Dự án được triển khai ở tất cả các loại hình báo chí, mọi đối tượng nhà báo, toàn bộ các lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ. Dự án đã thúc đẩy nhanh sự phát triển của báo chí Việt Nam; vai trò của báo chí được nâng cao hơn trong đời sống xã hội. Đặc biệt, dự án đã giúp Việt Nam có được một đội ngũ những nhà báo có năng lực và những giảng viên có trình độ chuyên môn cao. |
PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-gap-mat-trao-tang-ky-niem-chuong-cho-cac-nha-bao-thuy-dien-post318751.html