Mô hình kinh doanh bao trùm (IB) không còn là khái niệm mới mẻ với Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, IB không chỉ là giải pháp mang tính hệ thống nhằm giải quyết các vấn đề cho người nghèo, người có thu nhập thấp khi được gia tăng thu nhập thông qua việc làm, tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu với giá cả phải chăng, mà còn giúp doanh nghiệp biến những thách thức tuân thủ thành lợi thế, mở ra thị trường kinh doanh mới, đồng hành cùng chính phủ trong việc giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Cần phát triển nông nghiệp bền vững Phát triển nền Nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị nông sản |
Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh thành lập tại làng nghề gốm Bát Tràng. Là hậu duệ đời thứ 15 – 16 của những nghệ nhân Bát Tràng và được thừa hưởng nghề truyền thống, đội ngũ Ban giám đốc Công ty đặt sứ mệnh không chỉ là gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, mà còn mong muốn tạo ra tác động xã hội và giá trị chia sẻ với người có thu nhập thấp. Từ quan điểm này, Quang Vinh tuyển dụng những người nông dân, áp dụng khoa học công nghệ cùng quy trình sản xuất theo ISO và 5S trong sản xuất những sản phẩm gốm sứ giá rẻ phù hợp cho người thu nhập thấp và sản xuất bền vững. Hiện Quang Vinh đang xây dựng nhà máy sử dụng điện mặt trời, điện tái tạo áp mái để tiết kiệm năng lượng, tiến tới sản xuất xanh. Quang Vinh cũng xây dựng các chính sách nâng cao đời sống công nhân như: Quỹ tương thân tương ái, cho vay, quỹ khuyến học…; nuôi con em công nhân trong những trường hợp đặc biệt khó khăn; ưu tiên nhà cung cấp/đối tác là phụ nữ…. Hiện trên 90% sản phẩm của Công ty đã và đang bán tại thị trường của hơn 20 quốc gia trên thế giới như Nhật, Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Đan Mạch, Anh, Canada, Israel…
Ở một trường hợp khác, ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch CTCP Việt Nam Food (VNF), cho biết với tầm nhìn chất thải hôm nay là tài nguyên của ngày mai, VNF ứng dụng định hướng xử lý “xanh” và công nghệ sinh học để biến dầu và vỏ tôm thành sản phẩm đồng hành, từ đó tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành sản xuất khác nhau, đồng thời góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường. VNF đang tạo ra nhiều dòng sản phẩm hương vị tôm tự nhiên bao gồm: bột tôm, dầu gạch tôm và chiết xuất tôm… có thể thay thế các hương liệu tổng hợp trên thị trường, hướng đến bảo vệ sức khỏe và cung cấp dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mô hình kinh doanh bao trùm trong nông nghiệp (IAB) đóng vai trò quan trọng nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững và tạo tác động xã hội tại Việt Nam.
Các nền tảng chính sách và pháp lý cũng đang trợ lực cho IB phát triển, đặc biệt là Quyết định 167/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 với việc thể chế hóa hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng IB thông qua việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về mô hình này….
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi triển khai mô hình IAB ở Việt Nam. Trong đó, hiện vẫn còn thiếu sự nhất quán trong cách hiểu cũng như trong triển khai. Hiện có nhiều định nghĩa khác nhau về loại hình doanh nghiệp này. Đầu tư cho IAB có chi phí cao với mức lợi nhuận kém hấp dẫn nếu so sánh với các hình thức đầu tư phổ biến khác. Rất nhiều doanh nghiệp IAB chưa sẵn sàng “nhận đầu tư” dẫn đến sự hạn chế trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ quốc tế. Bên cạnh đó là những thách thức về tài chính và nguồn lực như rủi ro khó kiểm soát trong lĩnh vực nông nghiệp cản trở các nhà đầu tư theo đuổi gói đầu tư giá trị lớn hoặc cam kết tiếp tục đầu tư. Đầu tư tạo tác động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất hạn chế. Các nguồn tài trợ hiện mới đang tập trung vào một số doanh nghiệp IAB tiêu biểu…
Để hóa giải các thách thức này, ông Jason Lusk, đại diện từ Clickable Impact, cho rằng, việc nâng cao nhận thức về kinh doanh bao trùm là cấp thiết, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp áp dụng mô hình này. Chia sẻ kết quả sơ bộ Báo cáo đánh giá Thực trạng áp dụng mô hình IAB tại Việt Nam, bà Vũ Thanh Mai (Clickable Impact) khuyến nghị, để đẩy mạnh triển khai chính sách và chương trình IAB, Cơ quan nhà nước cấp Trung ương và địa phương cần phát triển và ban hành hướng dẫn quy định ở cấp địa phương để triển khai một cách thống nhất mô hình IB. Tổ chức phát triển và cơ quan tài chính đa phương cần tổ chức các phiên thảo luận cấp cao với nhóm các tổ chức phát triển để tiếp tục gắn kết họ phát triển các chương trình hỗ trợ IB. Đồng thời, nâng cao nhận thức về các nguồn tài chính đa dạng và cơ chế chia sẻ rủi ro để giúp doanh nghiệp xác định các kênh và loại tài chính phù hợp để tiếp cận. Nâng cao nhận thức của hộ nông dân về cơ hội và lợi ích khi tham gia vào các mô hình IAB, đặc biệt là nhóm nông dân nữ, người khuyết tật và thanh niên.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/mo-hinh-kinh-doanh-bao-trum-hoa-giai-thach-thuc-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-157114.html