23 tháng chạp, mới 3 giờ sáng, người dân xóm tôi lục tục kéo đến tiệm chè quen để mua những viên chè trôi nước nóng hổi về cúng ông Táo.
Tiệm chè chưa kịp mở cửa, như đã quen, không ai hỏi ai, chỉ cần nhìn cái bàn chè trống hoác trước sân thì họ hiểu rằng phải chạy thẳng vào bếp.
Thấy mẹ con tôi lớ ngớ vì lần đầu đến mua, chị Hai hàng xóm chỉ thẳng tay vào cái sân nói: Chạy thẳng vào trong luôn, nhanh lên đông lắm. Nói rồi, chị quay đầu xe, thả thêm câu thòng: “Ông Táo ở xóm này khoái chè trôi nước hay sao mà bà Quyên bán đắt dữ”.
Quả thật, gian bếp sau nhà chị Quyên – chủ tiệm chè Quyên (đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM) – không ngớt người ra vào. Hơn 20 người xếp hàng chờ lấy chè, người mua 6 viên, người 4 viên, mỗi viên chỉ 5.000 đồng. Người lớn tuổi không chen vào được, đành ngồi ở sân, chờ chủ tiệm mang ra.
Trong gian bếp 6 người là bà con chủ tiệm làm việc luôn tay, người phụ múc chè, người vớt chè đổ ra thau cho nguội bớt. Những làn khói trắng thi nhau tỏa lên. Mùi gừng cay nồng quyện với mùi ngọt ngào của đường vàng bốc lên tận mũi, trong cái lạnh buổi sớm đầu Xuân, chúng tôi tranh thủ hít thật sâu thứ mùi hương quyến rũ, đặc trưng này.
Chị Quyên vừa múc chè cho khách vừa tranh thủ điều phối lượng khách đặt qua điện thoại. Chị cười tươi nói: “Năm nào cũng vậy, đến ngày 23 tháng chạp, tôi phải chuẩn bị gần 3.000 viên trôi nước, hơn 10 người là bà con, chòm xóm được huy động từ chiều hôm trước để nhồi bột, nặn bột, nấu đậu, rang mè… để đúng 2-3 giờ sáng hôm sau là phải có chè để bà con tiễn ông Táo sớm”.
Khách ở đây đa số là dân địa phương, đã quen với tiệm chè của chị hơn chục năm nay. Mà cũng lạ, gần tiệm chè của chị Quyên có hơn 10 chỗ bán chè trôi nước nhưng không đâu đắt hàng bằng. Có lẽ họ đã quen với vị chè truyền thống, đậm đà, nấu công phu, chuẩn vị miền Nam ở đây.
Mẹ con tôi may mắn chỉ chờ 10 phút là có chè mang về. Múc từng viên trôi nước tròn đều, dẻo thơm mùi nếp mới quyện với mùi gừng cay, mè rang thơm lừng cúng ông Táo – bà Táo, trong lòng chúng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả.
Tiễn ông bà Táo về trời, mẹ con tôi hào hứng chia nhau từng viên trôi nước, tôi không ăn vội mà múc muỗng nước đường thưởng thức trước. Quả thật, nước đường không ngọt gắt mà lại đậm đà quyện với hương gừng cay nhẹ, thơm nồng giúp tinh thần sảng khoái. Còn viên trôi nước thì dẻo vừa, mịn màng chuẩn vị của nếp không bị pha trộn các loại bột khác; bên trong nhân đậu xanh có vị béo vừa, mặn ngọt vừa đủ không gây ngán. Cái ngọt của nước đường, dẻo của viên trôi nước quyện cùng lớp mè rang vừa tới thơm lừng, béo bùi khiến hai mẹ con ăn hết một viên lại thòm thèm viên nữa.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/thom-lung-che-troi-nuoc-tien-ong-tao-2021020420590602.htm