(NLĐO) – Ếch nhồi thịt, bún num-bo-chóc đến chè bí đỏ… tất tần tật các món đặc sản ở xứ Campuchia được bày bán tại chợ phường 1, quận 10, TP HCM.
Từ lâu, chợ phường 1, quận 10, TP HCM được mệnh danh chợ Campuchia. Nhiều bảng hiệu tại đây đều in song ngữ.
Chợ này được xác định từ sạp hàng ngay giao lộ hẻm 368 Lê Hồng Phong và hẻm 66 Hùng Vương kéo dài ra hướng chợ hoa Hồ Thị Kỷ.
Nói là chợ nhưng thực chất có hơn 40 sạp hàng, bán các loại thực phẩm, gia vị,… xuất xứ từ Campuchia. Trong khu chợ, nổi bật nhất là các sạp hàng khô và bún num-bo-chóc Tư Xê. Nơi đây bày biện hàng chục loại cá lóc, cá tra, trèn… có nguồn gốc đánh bắt từ Biển Hồ.
Bà Ngô Thị Thanh Ngọc (49 tuổi, chủ sạp hàng Tư Xê) cho biết chợ hình thành từ năm 1979. Gia đình bà người gốc Campuchia. Năm 1975, hay tin xuất hiện diệt chủng Pol Pot nên đã tìm cách sang Việt Nam tạm cư.
Bà Ngọc chủ sạp hàng Tư Xê đang giới thiệu các mặt hàng Campuchia cho khách.
Lúc đầu những người ở đây phụ gánh hàng tại chợ cá Trần Quốc Toản (nay thuộc trung tâm thương mại nằm chân cầu vượt Thành Thái – Lý Thái Tổ – Đường 3 Tháng 2). Dần dần, cộng đồng người Campuchia di cư về đây đông đúc. Qua năm tháng nơi đây bắt đầu hình thành cộng đồng dân cư và xuất hiện nhiều hàng quán.
Để mô tả bức tranh chợ Campuchia, bà Ngọc hướng dẫn: những sạp hàng “rặc Khmer” gồm quán chè bí đỏ của bà Huôi, quán hủ tiếu Nam Vang của bà Út Miên, sạp chuối nướng của bà Tư Ít, cá hấp Amok của ông Chín… Những hàng quán đều có quy mô nhỏ lẻ, có sạp chỉ kê một chiếc bàn nhựa với 4 ghế ngồi. Nhưng nơi đây bán từ sáng đến tối luôn đông nghịt khách.
Riêng sạp hàng khô của bà Tư Xê còn kinh doanh thêm món bún num-bo-chóc và mỗi ngày chỉ bán từ 80-90 tô, bán từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút là đóng sạp. Nhiều người muốn ăn phải gọi điện từ hôm trước dặn dò để sẵn phần.
“Món bún này gia đình bán hơn 40 năm và giữ hương vị chuẩn từ đó đến giờ. Để có được nước dùng phải có nguyên liệu là cá tự nhiên tại biển hồ. Nhiều lúc muốn nấu số lượng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu nhưng sợ nấu không còn ngon vì nguyên liệu nhập về có giới hạn”- bà Ngọc cho biết.
Bảng hiệu in song ngữ tiếng Việt và Campuchia.
Điều đáng nói, có người xin mở chi nhánh hoặc nhờ bà nhượng quyền thương hiệu bún num-bo-chóc với giá hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên chủ quán từ chối vì sợ không kiểm soát được chất lượng.
Hiện nay dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hoá từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn. Bình thường mỗi ngày sẽ có nhiều chuyến xe tải chạy về thì hiện nay 4 ngày mới có một đợt. Từ đó cá tươi và nhiều nguyên liệu khác khó có thể về Việt Nam dồi dào như trước.
Để đảm bảo chất lượng và nhu cầu, sạp hàng ở đây cũng rất rõ ràng: Nguồn cá khô nuôi từ An Giang được đặt riêng, nguồn cá tự nhiên từ Biển Hồ treo trên cao. “Tất cả những người kinh doanh ở đây xác định đảm bảo uy tín và chất lượng để có thể làm ăn lâu dài”- bà Ngọc cho hay.
Món bún cá với hương vị lá chúc là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Campuchia với cái tên lạ bún num-bo-chóc.
Khô rắn và khô trâu được dán nhãn có thương hiệu từ TP Siêm Riệp (Campuchia).
Rất nhiều mặt hàng được nhập từ Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Cá tra biển hồ dùng làm khô một nắng.
Món mắm Campuchia và đặc sản ếch nhồi thịt nổi tiếng.
Chuối nướng được phết lên hương vị của trái chúc có mùi và vị giác lạ lẫm.
Chuối nướng mọi cũng là món đặc sản ở đất nước Campuchia.
Rất nhiều quán quy mô nhỏ bán những món Campuchia với hương vị gốc.
Chè bí đỏ được cho là món đặc sản tại đây.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/bi-quyet-keo-khach-cua-khu-cho-campuchia-giua-sai-gon-20210208172821788.htm