Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo và Tin lành; trong đó, Phật giáo có 845 chùa, 894 tăng, ni và khoảng 30 vạn tín đồ; Đạo Công giáo có 172 giáo xứ, 493 nhà thờ giáo họ, gần 47,3 vạn giáo dân; Đạo Tin lành có 2 Hội thánh ở xã Giao Hà (Giao Thủy) và thành phố Nam Định, thuộc Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) với hơn 800 tín đồ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2.764 đình, đền, mếu, phủ, điện thờ tư gia; các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng rất phong phú, gắn với lễ hội tín ngưỡng thu hút rất đông người tham gia. Những năm qua hoạt động tín ngưỡng và tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, tín đồ các tôn giáo được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh.
Các cụ cao niên chuẩn bị các nghi thức cúng Thành hoàng làng tại Đền Hoành Đông, thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). |
Nhằm tạo sự ổn định trong sinh hoạt và hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đúng theo quy định pháp luật, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố quán triệt, triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 100 hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan cho gần 11 nghìn lượt cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; 3.127 trưởng thôn (xóm), tổ dân phố; trên 7.000 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh. Hàng năm vào các ngày lễ trọng của các tôn giáo, các cấp chính quyền trong tỉnh đã thành lập đoàn thăm hỏi, động viên chức sắc, chức việc sống tốt đời đẹp đạo, sinh hoạt và hoạt động tôn giáo đúng theo quy định của pháp luật, kiên quyết đấu tranh các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với công tác tuyên truyền, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp theo Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20-10-2016 “Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Hiện nay, ở cấp tỉnh các cơ quan: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh đều có các phòng chuyên trách làm công tác tôn giáo. Ở cấp huyện, xã đều bố trí cán bộ theo dõi, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác tôn giáo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ, chức sắc, tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành các văn bản chỉ đạo công tác tôn giáo và liên quan đến tôn giáo; triển khai cung cấp 100% dịch vụ hành chính công mức 4 kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia; công khai danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện, xã; giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật những yêu cầu về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thẩm quyền, Sở Nội vụ hàng năm có văn bản chấp thuận đăng ký mở lớp An cư kiết hạ; mở lớp bồi dưỡng cho những người chuyên hoạt động tôn giáo; phong phẩm, bầu cử, suy cử, bổ nhiệm, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành đáp ứng nhu cầu về tổ chức tôn giáo. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan và các huyện, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương, đơn vị; qua thanh tra, kiểm tra đã đề xuất các biện pháp khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước và triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo và công tác tôn giáo. Duy trì việc tiếp công dân đến khiếu nại, kiến nghị; tiếp nhận và xử lý kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nên không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tạo lòng tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, công tác quản lý các hoạt động đối ngoại tôn giáo được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiến hành các thủ tục xuất nhập cảnh cũng như quản lý các hoạt động của cá nhân tôn giáo được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các ngành làm công tác tôn giáo luôn hướng dẫn các chức sắc, nhà tu hành có nhận thức đúng về quan điểm của Đảng, Nhà nước trong hoạt động đối ngoại tôn giáo; tuân thủ các quy định của Nhà nước khi tham gia hoạt động quốc tế có liên quan đến tôn giáo như: xuất nhập cảnh, viện trợ, tiếp nhận viện trợ thuần túy tôn giáo, hoạt động của tổ chức phi chính phủ, các giáo hội nước ngoài hoặc tổ chức cá nhân liên quan đến tôn giáo nước ngoài. Qua việc xét duyệt xuất nhập cảnh, các ngành chức năng đã tranh thủ tiếp xúc nhắc nhở, động viên các tổ chức, cá nhân tôn giáo trước khi ra nước ngoài giúp họ nắm chắc và thực hiện tốt những nguyên tắc khi tham gia các hoạt động quốc tế do đó nhiều năm qua tỉnh chưa có hoạt động nào vi phạm ở nước ngoài. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã đón tiếp 10 đoàn thuộc các tổ chức quốc tế đến tìm hiểu thực hiện các chính sách tôn giáo; xem xét cho 20 giám mục, linh mục, mục sư, tăng, ni ra nước ngoài học tập, tham quan du lịch, chữa bệnh và thăm thân…
Việc triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nguyện vọng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của chính đáng của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với giáo hội; chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với quê hương, đất nước, sống tốt đời đẹp đạo; sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo diễn ra ổn định thuần túy trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đặc biệt đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; giữ gìn an ninh, trật tự; góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Văn Trọng