Bệnh vảy nến là bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy gây khó chịu cho người bệnh, do đó cần sự chăm sóc, nâng đỡ tinh thần giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 52.000 bệnh nhân vảy nến. Vảy nến không chỉ là một căn bệnh mà là cả một hành trình thách thức tâm lý xã hội. Bệnh viện đã luôn không ngừng cập nhật các phương pháp điều trị, triển khai phòng khám chuyên sâu về vảy nến để tạo điều kiện cho người bệnh biết thêm các phương pháp điều trị mới, kết nối cộng đồng bệnh nhân vảy nến.
“Ngày vảy nến là dịp để mỗi người chúng ta thắp lên hạnh phúc, mỗi bệnh nhân vảy nến là một ngọn nến kiên cường”, bác sĩ Thuý chia sẻ tại buổi giao lưu kỷ niệm Ngày Vảy nến thế giới – Bật nến hạnh phúc, diễn ra sáng nay 27.10.
4 phương thức điều trị bệnh vảy nến
Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết bệnh viện và các bác sĩ không hứa sẽ chữa hết hẳn bệnh vảy nến, nhưng sẽ đồng hành trên từng bước chân của bệnh nhân vảy nến. Hiện nay trên thế giới không có phương pháp nào điều trị hết hẳn.
Có 4 phương thức điều trị bệnh vảy nến. Thứ nhất dùng thuốc thoa giúp điều trị vảy nến ở mức độ nhẹ – trung bình và phối hợp với các phương pháp khác, giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng ở mức độ nặng hơn
Thứ hai, điều trị chiếu ánh sáng toàn thân (quang trị liệu), phương pháp này cần đến bệnh viện 2-3 lần mỗi tuần.
Thứ ba, dùng thuốc uống, tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và thăm khám định kỳ.
Thứ tư, điều trị bằng thuốc sinh học, phương pháp này chi phí cao, hiện bảo hiểm y tế sẽ chi trả 40-50% tại Bệnh viện Da Liễu.
Tuy nhiên, bên cạnh các phương pháp điều trị, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng và chăm sóc tại nhà hợp lý, dưỡng ẩm cho da cũng là cách giảm ngứa hiệu quả cho bệnh vảy nến.
Ngoài ra, việc chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân vảy nến là rất quan trọng.
Chú trọng sức khỏe tinh thần cho người bệnh vảy nến
“Vảy nến là bệnh lành tính, không lây nhiễm. Điều gì tốt cho sức khỏe thì tốt cho bệnh vảy nến và ngược lại. Những điều khiến bệnh trở nên nặng hơn bao gồm stress, hút thuốc lá, uống rượu bia, cào hoặc gãi vào vảy nến. Do đó, tinh thần cũng ảnh hưởng đến bệnh vảy nến, bệnh nhân nên hạn chế căng thẳng. Trên thế giới hiện có khoảng 125 triệu người mắc bệnh vảy nến. Việc gặp gỡ, chia sẻ và đồng cảm thông qua các hoạt động cộng đồng cũng là cách giảm căng thẳng”, bác sĩ Uyển Nhi chia sẻ.
Theo bác sĩ Nhi, 40% người mắc vảy nến có bệnh vảy nến khớp kèm theo và rất khó lành lại. Do đó bệnh nhân cần chú ý các khớp có sưng, đỏ sau mỗi buổi sáng ngủ dậy. Người bệnh nên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, đạp xe, ngồi thiền để nâng cao sức khỏe.
Các nguyên nhân dẫn tới khởi phát bệnh bao gồm gien, miễn dịch và môi trường. Người bệnh cần đi xét nghiệm để kiểm tra các yếu tố di truyền, kiểm tra các bệnh đồng mắc kèm theo của bệnh vảy nến. Người bệnh vảy nến thường cao huyết áp, do đó cũng cần hạn chế ăn mặn.
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, chuyên gia tâm lý, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam, cho biết khi sống vui, tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn. Hoài nghi, không chấp nhận, hụt hẫng, thất vọng là diễn tiến tâm lý bình thường của người bệnh. Khi xác định tâm thế sống chung với bệnh lâu dài, người bệnh sẽ có tâm trạng tích cực, từ đó tìm ra lối sống và lối điều trị giúp nó tốt hơn từng ngày.
“Tìm cách vỗ về vết ngứa thay vì chăm chăm vào cảm giác ngứa sẽ giúp người bệnh cảm thấy dịu, dễ chịu hơn. Trong các trường hợp đối diện với triệu chứng vảy nến, hãy có cách cư xử thật nhẹ nhàng với từng bộ phận ngứa, vỗ về nó chứ không nên suy nghĩ tiêu cực. Thay vì nghĩ tại sao mắc bệnh, cần nghĩ rằng mình đã may mắn hơn rất nhiều so với các căn bệnh mạn tính hoặc nan y khác. Thuốc và các tác động y học hiện nay hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng bệnh vảy nến”, chuyên gia tâm lý Hồng Quân chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/benh-vien-da-lieu-tphcm-moi-nam-tiep-nhan-hon-52000-benh-nhan-vay-nen-185241027142258243.htm