Sau một thời gian dài triển khai rộng khắp trên cả nước, chuyển đổi số Việt Nam đã bước sang năm thứ 5, năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2024 là năm phát triển kinh tế số với trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, động lực quan trọng cho phát triển xã hội nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh trà phát biểu về chuyển đổi số tại Hội nghị
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trên toàn quốc diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt và mang lại kết quả thực chất hơn cho người dân với Bộ Nội vụ đã lấy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử và qua kênh Zalo OA, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kết hợp phương pháp đào tạo truyền thống và thông qua các nền tảng công nghệ số đặc biệt là Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOC).
Tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển đổi số; lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động hợp tác quốc tế đề án, dự án, hội nghị, hội thảo, bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác… với các đối tác nước ngoài, thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin mạng cho công chức, viên chức, tổ chức các cuộc họp trực tuyến theo chủ đề bảo đảm phù hợp với định hướng của Chính phủ trong Chuyển đổi số.
Với mục tiêu đảm bảo 100% các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) có dữ liệu dùng chung hiện có được kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL Ngành Nội vụ thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP), 100% các thông tin tổng hợp báo cáo từ các Bộ, ngành, địa phương không sử dụng báo cáo giấy (trừ báo cáo mật) được tổng hợp trực tuyến qua trục liên thông dữ liệu LGSP, thông qua việc cấp tài khoản SSO của Bộ Nội vụ, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành, 100% hệ thống thông tin sử dụng dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức, 100% văn bản trao đổi giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được ký số bởi chữ ký chuyên dùng trừ các văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Ảnh minh họa (isos.gov.vn)
Hoàn thành xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL ứng dụng chuyên ngành theo các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo kết nối với Trung tâm điều hành thông minh và các CSDL quốc gia có liên quan, CSDL tích hợp của ngành phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, tạo môi trường làm việc điện tử thống nhất; nâng cao chỉ số chuyển đổi số. Hoàn thiện và đưa vào vận hành nền tảng quản trị công việc thống nhất (SSO) cho phép người sử dụng đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ.
Cải tạo, mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kiểm soát, cung cấp dịch vụ hạ tầng tối ưu với hiệu năng cao, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu cấp độ 3 trở lên phục vụ phát triển Chính phủ số. Triển khai hệ thống giám sát tập trung về an toàn thông tin trên không gian mạng cho phép đơn vị vận hành có thể nhìn được tổng thể các nguy cơ tấn công mạng đối với các hệ thống thông tin, thậm chí đến từng máy tính cụ thể bên trong mỗi hệ thống nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, nhân lực vận hành, trang bị bản quyền phần mềm diệt virus cho tất cả máy tính của công chức, viên chức đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Thành lập Tổ công tác quản trị vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) an toàn hiệu quả, theo đó, cần chú trọng đến nguồn nhân lực có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin đảm bảo công tác quản trị, vận hành lâu dài. Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh Bộ Nội vụ (IOC) đảm bảo 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hiện có được kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm điều hành thông minh.
Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số, cho công chức, viên chức, người lao động phù hợp với vị trí việc làm, nhằm tăng cường lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác chuyển đổi số. Đề xuất tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin bổ sung cho Tổ Chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế thuê chuyên gia, kỹ sư vận hành hệ thống và an toàn, an ninh. Giám sát, phát hiện, ngăn chặn, rà soát, xử lý IP botnet được phát hiện, cảnh báo và xử lý, loại bỏ mã độc; chủ động ứng phó các mối đe dọa, tấn công mạng và ứng cứu sự cố, khôi phục hoạt động bình thường của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, xây dựng phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng với từng hệ thống thông tin và triển khai đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình nhiều lớp, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thanh Tú