Lãnh đạo EVN cho rằng, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% tác động không lớn đến các hộ sử dụng điện – Ảnh: N.AN
Chiều 4-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi họp báo trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được áp dụng từ hôm nay 4-5, với mức tăng thêm 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vừa được công bố trước đó.
Giá điện tăng 3% giúp EVN thu 8.000 tỉ đồng
Chủ trì họp báo có hai phó tổng giám đốc của EVN là ông Võ Quang Lâm và ông Nguyễn Xuân Nam, cùng đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi không có đại diện của Bộ Công Thương.
Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết trong bối cảnh hết sức khó khăn, vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tập đoàn đã báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh để đoàn kiểm tra liên ngành thẩm định giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Trên cơ sở Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện, EVN đã ban hành quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, với mức tăng thêm 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online liên quan đến việc tăng giá điện 3% tác động thế nào đến cân đối tài chính EVN khi khoản lỗ được công bố lên tới hơn 26.200 tỉ đồng, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết mức tăng 3% giúp EVN tăng thêm doanh thu cho 8 tháng cuối năm là hơn 8.000 tỉ đồng, song vẫn còn nhiều khó khăn về tài chính.
Dẫn chứng là giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than lên tới 2.400 đồng/kWh, thậm chí có thời điểm giá cao nhất là 4.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện bình quân bán ra chỉ ở mức hơn 1.800 đồng/kWh, là rất khó khăn cho EVN.
“Với giá đầu vào, đầu ra như vậy cũng rất mong các bên chia sẻ, khi EVN phải gồng mình như thế nào đảm bảo đủ điện cho đất nước.
Mức tăng 3% là rất khó cho EVN, nên để khắc phục khó khăn thì tập đoàn phải thực hiện nhiều giải pháp, tiết giảm chi phí và làm việc với các đối tác cung ứng than, khí chia sẻ, hỗ trợ giảm giá, huy động tối đa nguồn giá rẻ” – ông Nam cho hay.
Giá điện tác động tới các hộ tiêu dùng thế nào?
Về những tác động của việc tăng giá bán lẻ điện bình quân tới chỉ số CPI và các hộ sản xuất kinh doanh, lãnh đạo EVN cho hay với mức tăng 3% thì làm CPI tăng 0,17%. Trong khi đó, tác động của việc tăng giá điện đến các hộ sử dụng cũng ở mức thấp.
Cụ thể, hộ sản xuất có hơn 1,8 triệu hộ, mỗi tháng sẽ phải trả thêm 307.000 đồng/tháng; hộ hành chính sự nghiệp có 662.000 khách hàng, sẽ phải trả thêm là 40.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh dịch vụ hiện đang có 528.000 hộ, sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng.
Mức giá mới từ ngày 4-5-2023 so với giá cũ – Dữ liệu: N. AN – Đồ họa: NHƯ KHANH
Với khách hàng sinh hoạt, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ; khách hàng tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ; khách hàng tiêu thụ 200 kWh/tháng tăng thêm 11.100 đồng/hộ; khách hàng tiêu thụ 300 kWh/tháng tăng thêm 18.700 đồng/hộ và với khách hàng tiêu thụ 400 kWh/tháng thì số tiền tăng thêm là 27.200 đồng/hộ.
“Những tác động tăng giá điện là rất thấp với cả đối tượng sản xuất và sinh hoạt” – ông Võ Quang Lâm đánh giá.
Mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt thay đổi so với giá cũ như thế nào?
Giá bán lẻ điện từ hôm nay 4-5, tăng thêm gần 60 đồng/kWh – Ảnh: EVN
Giá điện bán lẻ bình quân điều chỉnh lên mức hơn 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4-5.
Cụ thể, mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo các bậc thang và thay đổi so với giá cũ như sau:
Bộ Công Thương cho biết, mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là hơn 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó./.
Theo tuoitre.vn