Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Cần bổ sung nguyên tắc áp dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch…
Đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.
Theo đại biểu, việc quy định như dự thảo Luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.
Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này.
“Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý. Mặc dù trong dự thảo Luật cũng đã có quy định các nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi”, đại biểu đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ.
Từ các phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó, để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của nhà nước.
Phát triển giao thông đi trước để định hướng cho phát triển đô thị
Tham gia góp ý, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật này phải phân định rõ ràng.
Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực…
Do vậy, đại biểu Cường đề nghị tại Điều 20 phải quy định theo hướng cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng.
“Thậm chí ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới”, ông Cường nói.
Nói về đô thị theo hình thức TOD – phát triển giao thông đi trước để định hướng cho phát triển đô thị, ông Cường cho rằng, có tình trạng phát triển đô thị tràn lan nhưng không có giao thông, rồi sau đó phải bỏ hoang không có người ở.
“Nếu phát triển giao thông đi trước, khi đô thị phát triển lên, người dân sẽ đến ở ngay, sẽ không xảy ra tình trạng bỏ hoang nữa. Đồng thời, giá trị đất đai tăng lên khi có giao thông thì sẽ tập trung vào ngân sách Nhà nước thay vì không vào tay tư nhân”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu rõ.
Do đó, vị đại biểu đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở Điều 50, khoản 3 cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là “đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch thì không có”.
Đại biểu cũng cho biết, quy hoạch thực chất là việc lựa chọn những phương án phân bổ nguồn lực để cho các mục tiêu phát triển. Vậy, làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực, trong đó nguồn lực đất đai là nguồn lực quan trọng nhất.
“Chúng ta phải quy định trong luật, đó là trong các phương án lựa chọn về phát triển đô thị phải có việc đánh giá về chi phí lợi ích trong việc sử dụng đất, để có cơ sở để thuyết minh”, đại biểu Cường nêu.
Cần có quy định mở trong các cấp độ quy hoạch
Nêu những vướng mắc thực tế tại thành phố Hà Nội liên quan đến quy hoạch tỷ lệ phân khu 1/2000 và 1/5000, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, chỉ nên có một loại quy hoạch phân khu ở tỉ lệ 1/2000. Đồng thời, khi tỷ lệ phân khu 1/5000 đã được thực thi ổn định ở thành phố Hà Nội, chúng ta nên quy định về điều khoản trực tiếp để phù hợp với Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Về mâu thuẫn chồng chéo giữa các cấp độ quy hoạch, đại biểu Nguyễn Trúc Anh cho rằng, chỉ cần quy định theo hướng, nếu vướng mắc ở cấp độ cao hơn thì báo cáo cấp thẩm quyền ở cấp cao hơn và làm quy trình điều chỉnh ở cấp dưới tại kỳ điều chỉnh quy hoạch.
Về cấp độ quy hoạch, đại biểu cho rằng, cần tính toán đến những vấn đề phát sinh mới, ví dụ như quy hoạch dọc sông, quy hoạch đại đô thị vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Thủ đô Hà Nội… cần có điều khoản mở, Chính phủ yêu cầu các đơn vị thực hiện.
Về thời hạn quy hoạch, theo ông Nguyễn Trúc Anh, thời hạn quy hoạch không phải là thời hạn hiệu lực của quản lý quy hoạch; thời hạn lập quy hoạch rất khác khau. Chúng ta nên hiểu là thời hạn lập quy hoạch đến thời kỳ 5 năm, 10 năm 20 năm là đến thời kỳ phải điều chỉnh lại, có nội dung gì cần điều chỉnh, khi đó sẽ có hiệu lực mới.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất…
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cho phép lập đồng thời quy hoạch chung và các trường hợp quy hoạch chung khác cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước. Trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung được lập thẩm định xong trước thì được phê duyệt trước.
Về giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn trong các quy hoạch, dự thảo Luật cũng đã chỉnh sửa quy định tại Điều 7, tách thành Điều 8, trong đó trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn cùng cấp độ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì phải thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh. Trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn khác cấp độ, thì các cơ quan, tổ chức lập quy hoạch thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
Trường hợp mâu thuẫn với các quy hoạch có cùng cấp độ, thì nội dung đã được thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch và trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Chính phủ, để đảm bảo yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn.
Đối với các mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện…
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-do-thi-tran-lan-nhung-khong-co-giao-thong-roi-bo-hoang-post1130855.vov