Kinhtedothi – Ngày 26/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”.
Đồng chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tham dự hội thảo.
Đắk Lắk là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, và an ninh tại Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ thời Pháp thuộc – đánh dấu mốc lịch sử quan trọng ghi nhận vị thế và tầm vóc của tỉnh Đắk Lắk cho đến nay.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, gần 50 năm thống nhất đất nước, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Tỉnh đã thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận nhiều nội dung chuyên đề như: Vùng đất Tây Nguyên – Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam; Đắk Lắk – từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai; Chiến thắng Buôn Ma Thuột trong tiến trình 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk; Công nghiệp chế biến nông sản chủ lực – đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Lắk; gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã phân tích, làm rõ thời cơ, thách thức và định hướng, tầm nhìn để xây dựng, phát triển Đắk Lắk trở thành “trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực”.
Thông qua nội dung các tham luận, thảo luận đã giúp cho đại biểu tiếp cận nhiều tư liệu mới, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Đắk Lắk trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh: bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Đắk Lắk cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tỉnh cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân để phát triển.
Nhiệm vụ đặt ra là phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dak-lak-120-nam-hinh-thanh-va-phat-trien-giau-dep-van-minh-ban-sac.html