Ngày 26/10, Quốc hội họp ở tổ cả ngày để thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả kinh tế đạt được trong năm 2024, song cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng tính khả thi mục tiêu năm 2025 khi cho rằng, những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm…
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thảo luận ở tổ |
Nhiều đại biểu bày tỏ vui mừng với kết quả đạt được khi tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm.
Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao, là điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2024. Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay, phản ánh môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với trước đại dịch COVID-19.
Thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn TP. Hà Nội cho rằng, kinh tế năm 2024 đã đạt thành công rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, công nghệ, viễn thông cũng được đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện tạo thế vững vàng để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề dang dở, Vấn đề giáo dục rất chật vật, vấn đề sách giáo khoa, thi cử, thiếu giáo viên, thiếu trường lớp nhất là ở vùng khó khăn… khó có thể để cử tri và nhân dân yên tâm.
Bên cạnh đó, vấn đề đấu thầu đất, giá đất nhảy múa rất kỳ lạ, chưa từng thấy… khiến người có nhu cầu mua nhà không tiếp cận được. “Đã đến lúc Chính phủ cần tập trung các nhà khoa học kinh tế, người quản lý về giỏi đất đai nghiên cứu đề xuất các chính sách để ngăn chặn, quản lý tình trạng này… “, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị.
Dưới góc nhìn của mình, ông còn cho rằng vấn đề rất trầm trọng đang tồn tại hiện nay là lãng phí về vật chất, thời gian, giấy tờ văn bản từ khi ban hành nghị quyết đến khi đi vào cuộc sống vẫn còn phổ biến. Ông đề nghị cần có thước đo, chế tài về vấn đề này thì mới có thể thành công hơn nữa.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định rằng mặc dù năm nay có nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được các tổ chức quốc tế nâng cấp về tín nhiệm, chỉ số hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Một số chỉ số nổi bật là tín nhiệm quốc gia tăng lên BB+ và BA, hạnh phúc xếp hạng 54/143, đổi mới sáng tạo thứ 44/132, và Chính phủ điện tử tăng 15 bậc.
Về kinh tế, ông Cường cho biết tăng trưởng kinh tế quý III đạt 7,4%, cả 9 tháng đầu năm tăng 6,82%, gần đạt giai đoạn trước dịch. Đáng chú ý, ngành công nghiệp đạt được tăng trưởng cao nhất (8,34%) nhờ xuất khẩu, trong đó đóng góp chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước lại gặp khó khăn, gây ra tình trạng siêu nhập.
Một điểm lo lắng là số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 21%, cho thấy nền kinh tế nội địa còn yếu và thiếu tính tự chủ. Điều này đòi hỏi các biện pháp để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, nỗ lực đạt được sự phục hồi vững chắc không lệ thuộc vào nước ngoài.
Về dự báo, ông Cường cảnh báo rằng tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại do đơn hàng quốc tế giảm từ tháng 9. Cùng với đó, tiêu dùng nội địa dù tăng 8,8%, nhưng phụ thuộc lớn vào chuyên ngành du lịch và không phản ánh sự tăng trưởng trong mua sắm của người dân. Ông đề nghị cần giải pháp đưa tiêu dùng nội địa, đồng thời nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ |
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Đức Ấn, đoàn Hà Nội cũng cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Đại biểu cho rằng, xuất khẩu dù đạt kết quả tốt nhưng còn phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài, khu vực trong nước lại đang nhập siêu tới 17 tỷ USD, nhất là nhập siêu về dịch vụ. Các biểu hiện cho thấy nền kinh tế của nước ta đang rất khó khăn, số lượng DN giải thể lớn hơn DN thành lập mới. Còn số này cho thấy sức khoẻ của DN rất khó khăn, điều này dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Liên quan đến NSNN, đại biểu băn khoăn với thực trạng rằng nền nền kinh tế còn khó khăn nhưng thu NSNN tăng tới gần 18% so với cùng kỳ. “Khi nền kinh tế đang khó khăn như vậy thì nguồn nào bù đắp vào, hay trước đây chúng ta không thu được nay chúng ta thu được”, đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị cơ cấu nguồn thu đến từ đâu cần phải đề cập sâu sắc hơn.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-lang-khi-doanh-nghiep-con-gap-nhieu-kho-khan-157134.html