Theo đó, cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở T.Ư. Cơ quan này có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Chiều 23.10, tiếp tục kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, quá trình thảo luận, có ý kiến rằng quy định về thanh tra di sản văn hóa đã được quy định tại luật Thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan, do đó nếu quy định như dự thảo luật sẽ dẫn đến chồng chéo.
Để tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật hay quy định tại nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.
Ngày 22.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ cho rằng, lĩnh vực quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.
Trên thực tế, một số vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa xảy ra nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn có hiện tượng bị mất di vật, cổ vật; di sản bị xâm hại, làm sai lệch; địa điểm khảo cổ không được bảo vệ.
Việc xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực di tích gây ảnh hưởng xấu đến yếu tố gốc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, ông Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, tiếp thu quy định về thanh tra di sản văn hóa như dự thảo luật.
Điều 18 luật Thanh tra quy định thanh tra tổng cục, cục được thành lập thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà tổng cục, cục được phân cấp quản lý. Với di sản văn hóa là Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT-DL.
Tuy nhiên, tại Nghị định số 03 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì lĩnh vực di sản văn hóa không có chức năng thanh tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, khi dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cả cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra đều cho rằng, lĩnh vực quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Việc thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa là cần thiết. Do đó, đề xuất thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa.
Nên cân nhắc việc thành lập thanh tra di sản văn hóa?
Góp ý vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần cân nhắc việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.
Theo đại biểu Đồng Tháp, lý do đề xuất thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa là thời gian qua nhiều vi phạm chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn trường hợp để mất di vật, cổ vật, hư hại di sản văn hóa.
“Liệu rằng thành lập thanh tra thì có bảo vệ được cổ vật, tránh việc bị đánh cắp hay hư hỏng như thời gian qua không? Thời gian qua cổ vật bị mất mát, hư hại là do cơ quan thanh tra, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước quản lý lỏng lẻo. Bộ VH-TT-DL đã có cơ quan thanh tra của bộ, cần phát huy để thực hiện hiệu quả, không nhất thiết phải thành lập thêm cơ quan thanh tra di sản văn hóa”, đại biểu Hòa nêu, đồng thời cho rằng, việc thành lập thêm cơ quan thanh tra sẽ làm tăng thêm biên chế.
“Nên chăng giao Chính phủ. Chính phủ thấy cần thiết thì quy định, không thì không quy định chứ không nên ghi trong luật”, ông Hòa kiến nghị.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-xuat-thanh-lap-co-quan-thanh-tra-di-san-van-hoa-185241023145626032.htm