05/05/2023 13:55
Mía là một trong những cây trồng chính của tỉnh, được quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, việc duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển cây mía. Những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phát triển vùng nguyên liệu mía.
Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất trồng các loại cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng mía, đưa giống mía mới vào trồng, triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc mía hiệu quả để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người trồng mía.
|
Công ty Cổ phần Đường Kon Tum triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trồng mía như tuyển chọn và hỗ trợ nông dân đưa các giống mía mới có năng suất và chất lượng cao vào canh tác như: KK3, KK4, CYZ08 – 1609, NSUT10 – 266; tạo điều kiện cho người trồng mía được mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước rồi đến khi thu hoạch mới thu hồi vốn. Đồng thời, Công ty còn hỗ trợ không hoàn lại đối với diện tích đất đang trồng các loại cây khác chuyển sang trồng mía với định mức 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ tiền cày đất hoặc khoan hố từ 3,5-4,8 triệu đồng/ha; hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác mía như và thu hoạch mía. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ trồng, chăm sóc mía bằng máy và hệ thống tưới nước tự động cho các tổ chức, cá nhân liên kết trồng mía trên cánh đồng lớn.
Tính đến nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.100ha, tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum với khoảng 75% diện tích, còn lại phân bổ rải rác ở các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô. Niên vụ 2022 – 2023, tổng diện tích mía cho thu hoạch là 732,74 ha, năng suất bình quân 73,48 tấn/ha. Tổng sản lượng mía 53.841,70 tấn, toàn bộ được cung ứng cho Công ty Cổ phần Đường Kon Tum.
Hiện tại, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã ký kết hợp đồng liên kết hơn 750 hộ dân và 2 hợp tác xã sản xuất mía và cam kết thu mua mía với giá bảo hiểm trong thời gian 3 năm là 850 đồng/kg mía sạch 10 CCS tại ruộng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều hạn chế, việc mở rộng diện tích vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, diện tích mía đã sụt giảm với khoảng 600ha. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học và công nghệ và cơ giới hóa sản xuất vẫn hạn chế, các mô hình hợp tác xã liên kết trồng và tiêu thụ mía chưa nhiều.
|
Ông Giả Tấn Đạt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Thầy cho biết: Một thời gian dài trước đây, giá mía nguyên liệu bấp bênh cùng với những bất cập trong quá trình thu mua, vận chuyển khiến nông dân không còn mặn mà với cây mía. Cho đến nay, mỗi khi đề cập đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mía vào canh tác nhiều nông dân vẫn ngần ngại. Mặt khác, quy trình trồng mía đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch nên đồng bào DTTS vẫn khó thực hiện.
Là địa phương đi đầu trong việc trồng mía, chiếm tới 75% vùng nguyên liệu của tỉnh, nhưng thành phố Kon Tum cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, ổn định diện tích cây mía. Hiện tại, thành phố có 825ha mía, nhưng so với những năm 2013, 2014 thì diện tích hiện tại của địa phương chỉ bằng khoảng một nửa.
Theo ông Phan Thanh Nam- Trưởng phòng Kinh tế thành phố, mặc dù năng suất, giá cả, thu nhập của người trồng mía những năm gần đây có những chuyển biến tích cực, nhưng cây mía vẫn chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh so với nhiều loại cây trồng khác, nhất là cây ăn trái, rau màu. Bên cạnh đó, hiện tại, công lao động cho việc trồng mía quá cao và khan hiếm, nhất vào thời vụ thu hoạch, khiến cho nhiều hộ từ bỏ cây mía.
Với diện tích và sản lượng mía hiện tại của tỉnh ta mới chỉ đáp ứng được 12% công suất chế biến (công suất 2.500 tấn mía cây/ngày) của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho 180 ngày chế biến, sản lượng mía cần trong một vụ sản xuất là 450.000 tấn mía cây, tương ứng với diện tích vùng nguyên liệu 6.000 ha mía, năng suất bình quân đạt 74 tấn/ha. Vì vậy, để duy trì hoạt động, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum phải thu mua thêm mía từ các hộ dân trồng mía tại các huyện Đăk Pơ, K’Bang, Kông Chro và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum sẽ nâng công suất nhà máy từ 2.500 tấn/ngày lên 6.000 tấn/ngày. Do đó, sản lượng mía nguyên liệu mía cần để phục vụ cho nhu cầu chế biến là 1.080.000 tấn mía cây, diện tích mía phát triển tương ứng là 15.000 ha.
Trước những thách thức trong việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, mới đây (ngày 20/3) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cùng lãnh đạo các ngành, đơn vị có liên qua đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum để cùng bàn bạc giải pháp, phương hướng tháo gỡ khó khăn. Mục tiêu là từng bước mở rộng diện tích mía, tạo vùng nguyên liệu ổn định (từ 2000-4.000 ha), đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mía đường và thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Để khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu mía cần nỗ lực vào cuộc của các ngành, địa phương và doanh nghiệp để người nông dân thấy được lợi ích thiết thực mà cây mía mang lại. Từ đó, tiếp tục đưa cây mía trở thành cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, nhất là ở những vùng đồng bào DTTS.
Thiên Hương