Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 99 điều, quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung vào sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu; phạm vi điều chỉnh; vấn đề chỉ định thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; hợp đồng với nhà thầu, với nhà đầu tư; phân cấp trong đấu thầu; giải quyết kiến nghị trong đấu thầu…
Đại biểu đề nghị đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước trên 50% vốn điều lệ; gói thầu trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp Nhà nước nên đưa vào quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện.
Quy định này sẽ giúp quản lý chặt nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp Nhà nước và nguốn vốn của doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn đề xuất về các trường hợp chỉ định thầu.
Đại biểu kiến nghị đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, xây lắp, mua sắm trong hạn mức không quá 5 tỷ đồng thì được chỉ định thầu, bởi các gói thầu này nhỏ, phần lớn ở cơ sở thực hiện, nếu thủ tục giống như công trình lớn sẽ gây khó cho cơ sở và lãng phí thời gian.
Đối với quy định lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế (Điều 55), đại biểu kiến nghị bổ sung thêm quy định về vật tư y tế để đầy đủ hơn, khi luật ban hành sẽ giúp các ngành, địa phương thực hiện dễ dàng.
Tin và ảnh: TRÚC LINH