Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và xây dựng đô thị thông minh để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Về hạ tầng đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng 4G, hướng đến phủ sóng 5G đến tất cả các thôn, xóm, khu vực dân sinh trên toàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng. Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số, tập trung nguồn lực xây dựng phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, nhân lực số.
Lãnh đạo tỉnh thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng Hue-S tại chợ Đông Ba
Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số trên địa bàn tỉnh; nâng cấp nền tảng Hue-S theo hướng cung cấp toàn diện các dịch vụ số của cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp và người dân. Dữ liệu số trong đó xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, văn hóa, thể thao và du lịch tại tỉnh. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng, tổ chức triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp tỉnh, kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu của tỉnh vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Đối với an toàn thông tin mạng và an ninh mạng theo đó hình thành Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) trực thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đảm bảo theo tiêu chí chuyển đổi số, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các hệ thống phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin như hệ thống phòng chống virus tập trung, phòng chống mã độc, mô hình bảo đảm an toàn thông tin mạng 4 lớp, định kỳ tổ chức đánh giá mức độ an toàn thông tin cho các nền tảng số của tỉnh. Định kỳ phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, triển khai kế hoạch diễn tập đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cấp tỉnh nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho lực lượng chuyên trách trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Tổ chức triển khai toàn diện các các giải pháp, ứng dụng quốc gia về an toàn thông tin cho cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng doanh nghiệp chuyển đổi số (ảnh minh họa)
Xây dựng và tổ chức kết nối cơ quan nhà nước với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên từ đó định hướng cho công việc tương lai và bổ sung nguồn lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Triển khai các nền tảng số cho doanh nghiệp để thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động.
Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông, chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên và trang bị đủ thiết bị, robotics, phần mềm. Khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng số, STEM/STEAM, robotic để triển khai.
Về kỹ năng số, công dân số và văn hóa số trong đó tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số nâng cao, kỹ năng kỹ thuật cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyên trách chuyển đổi số và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đào tạo đạt chuẩn kỹ năng số cho sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông.
Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số, và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, các chương trình phát triển văn hóa số sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian mạng.
Về phát triển kinh tế số theo đó mục tiêu cơ bản đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 15 – 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Đến năm 2030 với tỷ trọng kinh tế số đạt 20 – 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Về phát triển xã hội số theo đó mục tiêu cơ bản đến năm 2025 với tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%, tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%, tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%, tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%, tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%, tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%, tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%.
Với doanh nghiệp số trong đó có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cùng đẩy mạnh phát triển, tích hợp triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt triển khai các giải pháp Mobile Money cho các đối tượng khó tiếp cận công nghệ, vùng xa, vùng sâu. Sớm hình thành phương thức và văn hóa tiêu dùng mới trong xã hội.
Kim Oanh