Những nhịp điệu dân gian như múa San Tộ, múa Chầu, múa Bát… mang đậm dấu ấn bản địa với những động tác, nhịp điệu và trang phục truyền thống ấn tượng của người dân Cao Bằng. Tất cả hòa quyện, tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của một miền non nước được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc Việt Nam.
Các nghệ nhân biểu diễn múa San Tộ tại xóm Hoài Khao, huyện Nguyên Bình. (Ảnh: Phương Lan) |
Đoàn công tác của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đã có dịp lên Cao Bằng tìm hiểu về nghệ thuật múa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… Mỗi dân tộc nơi đây đều có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa riêng, nhưng họ đã chung sống, gắn bó lâu đời và cùng chung tay xây đắp nền văn hóa đậm đà, thống nhất.
Sau hơn năm giờ di chuyển từ Hà Nội, Cao Bằng hiện ra xa xa trước mắt chúng tôi là một khung cảnh thiên nhiên núi non trùng điệp, ẩn hiện trong làn sương mờ vắt qua những tia nắng lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Vẻ đẹp của những khóm hoa dại nhiều màu sắc nở rộ ven nương, những cung đường quanh co uốn lượn như dải lụa trắng giữa nền xanh thẳm của đại ngàn thực sự níu chân lữ khách…
Lưu giữ các điệu múa đặc sắc
Bỏ lại sau lưng chốn đô thị xô bồ và náo nhiệt, đoàn chúng tôi ghé thăm xóm Hoài Khao, huyện Nguyên Bình để tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Dao Tiền.
Tại đây, các nghệ nhân người Dao hào hứng giới thiệu và biểu diễn điệu múa đặc trưng của dân tộc mình. Điệu múa được đồng bào nơi đây gọi là San Tộ (hay còn gọi là múa ba ba chũm chọe).
Mỗi động tác đều mô phỏng các bước bắt ba ba trong các chuyển động đội hình khi ngang, khi dọc, khi đan xen một cách khéo léo, nhuần nhuyễn, kết hợp với tiếng trống tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập…
Điệu múa mang tính tập thể cao và được kết hợp với các trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao Tiền, thể hiện sự cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với dân bản, cầu cho mùa màng bội thu, đời sống đủ đầy, hạnh phúc.
NSƯT Nông Thị Nhích trò chuyện cùng NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (bên trái) và NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. (Ảnh: Phương Lan) |
Rời Hoài Khao, đoàn tới xã Trọng Con thuộc huyện Thạch An để tìm hiểu về điệu múa Chầu. Trước khoảng sân rộng của UBND xã, các tấm chiếu mộc được trải kín làm sân khấu biểu diễn của các nghệ nhân.
Trong trang phục cổ truyền của người Tày, các nghệ nhân múa Chầu tay phải cầm chùm xóc nhạc, chân theo nhịp bước, tay trái cầm quạt, di chuyển vòng tròn, lúc lại theo hàng ngang, khi tiến, khi lùi theo vòng xuyến. Các động tác múa dứt khoát, uyển chuyển mang tính ước lệ theo nhịp đàn tính.
Theo dòng chảy của thời gian cùng với những đổi thay trong đời sống xã hội, nghệ thuật múa Chầu hiện nay đã bị mai một, ít người biết đến. Tuy nhiên, tại xã Trọng Con, loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Chia sẻ với chúng tôi, NSƯT Nông Thị Nhích cho biết: “Múa Chầu như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của người dân xã Trọng Con.
Tiếng đàn tính ngọt ngào, những điệu múa Chầu mượt mà, uyển chuyển đã khiến tôi say mê luyện tập và biểu diễn ở những dịp hội làng, hội Xuân hay lễ mừng nhà mới, lễ cấp sắc từ khi còn là cô bé lên 10”.
Ngoài chiêm ngưỡng các điệu múa cấp sắc, múa bắt ba ba, múa Chầu, đoàn công tác còn có cơ hội tìm hiểu về điệu múa Bát hết sức thú vị tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Điệu múa gồm từ sáu đến tám người, đòi hỏi sự phối hợp khéo léo giữa tay, chân nhịp nhàng, chính xác. Nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm, kết hợp cùng các động tác rung lắc cổ tay, tiếng gõ đũa vào miệng bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những người phụ nữ nơi này về cuộc sống vùng cao tuy vất vả nhưng rất đỗi yên bình.
Niềm tự hào về văn hóa dân tộc
Tham gia đoàn công tác, TS.NSND Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, bày tỏ niềm vui khi những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc tỉnh Cao Bằng vẫn được gìn giữ và bảo tồn theo thời gian.
Nhấn mạnh đây là điều không phải địa phương nào cũng làm được, ông chia sẻ: “Những điệu múa vẫn giữ được bản sắc riêng và mang đậm văn hóa bản địa. Đó là tư liệu quý để các giảng viên múa nghiên cứu đưa vào giáo trình giảng dạy. Đồng thời, chuyến đi này cũng là cơ hội để các biên đạo múa tìm kiếm ý tưởng và chất liệu cho tác phẩm của mình”.
Các nghệ nhân trình diễn đàn tính, múa Chầu tại xã Trọng Con, huyện Thạch An. (Ảnh: Phương Lan) |
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cũng cho biết trong những năm qua, các hoạt động bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa trong các điệu múa dân gian của đồng bào các dân tộc luôn được lãnh đạo tỉnh cũng như ngành Văn hóa-Du lịch đặc biệt quan tâm.
Theo đó, nhằm triển khai Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I 2021-2025, tỉnh Cao Bằng chú trọng vào nội dung nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các điệu múa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác văn hóa văn nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh.
Bên cạnh những thành công đạt được, Cao Bằng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển văn hóa nghệ thuật như: hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.
Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của di sản văn hóa vẫn là một thách thức lớn; nhiều người dân chưa ý thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
Trong giai đoạn tới, tỉnh Cao Bằng sẽ có những chính sách, giải pháp đồng bộ về đầu tư tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế quản lý và khai thác hiệu quả di sản văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nhận thức rõ sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này, trong đó có loại hình múa dân gian vô cùng đặc sắc.
Đoàn công tác chụp ảnh cùng các nghệ nhân tại Cao Bằng. (Ảnh: Phương Lan) |
Chia tay Cao Bằng, đoàn công tác không chỉ lưu luyến vẻ đẹp thiên nhiên, con người mà còn ấn tượng đặc biệt với những điệu múa đặc trưng của vùng đất nơi đây. Phần trình diễn của các nghệ nhân vùng dân tộc thiểu số đã đưa người xem đi từ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Có một điểm chung mà ai cũng nhận thấy là trên gương mặt của bà con luôn ánh lên niềm tự hào và hãnh diện về bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được nét hồn hậu, thuần chất. Họ thật thà, dễ mến, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cuộc sống thương mại hóa. Đặc biệt, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn được người dân ưu tiên và coi trọng như tài sản quý.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lac-trong-nhip-dieu-dan-gian-o-cao-bang-291316.html