Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng giáo dục cần rõ ràng, minh bạch và ổn định trong nhiều năm. Do đó, phải cố định môn thi thứ 3, tốt nhất là môn Ngoại ngữ.
Mới đây, trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Bộ GD-ĐT đã rút đề xuất bốc thăm để chọn ngẫu nhiên môn thi thứ 3 vào lớp 10. Môn thứ 3 sẽ không cố định mà phải thay đổi hàng năm, được công bố trước ngày 31/3, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie, dù không còn cụm từ “bốc thăm môn thứ 3” nữa nhưng động thái này cũng vẫn sẽ đẩy các Sở GD-ĐT vào thế “khó có cách thức nào khác ngoài việc phải bốc thăm để chọn môn thi thứ 3”.
Lý do là, nếu lựa chọn theo chủ quan của lãnh đạo Sở sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như lo ngại phụ huynh, học sinh phản đối hay người học có thể đoán môn thi bằng phương pháp loại trừ… Vì thế, đơn vị này vẫn phải tìm cách né tránh dư luận bằng cách bốc thăm.
“Trong giáo dục, tối kỵ những việc như bốc thăm vì điều này là ‘may nhờ, rủi chịu’. Không thể vì ‘bất lực’ trong việc quản lý dạy và học ở cấp THCS, lo sợ rằng nếu không thi, học sinh sẽ không học mà phải đặt giáo viên, học sinh và phụ huynh trong tình huống may rủi, khiến hàng vạn người sống trong trạng thái bất an. Giáo dục cần phải rõ ràng, minh bạch và ổn định trong nhiều năm”, thầy Khang nói.
Cũng theo thầy Khang, tất cả học sinh đã được công nhận tốt nghiệp THCS tức đều đã đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực. Do đó, không cần thiết qua kỳ thi này để “đánh giá toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” nữa.
“Kỳ thi này phải hướng đến tương lai, tức hướng tới cấp THPT. Như vậy, các trường chuyên sẽ tuyển theo kiểu trường chuyên, trường thường tùy theo áp lực số lượng học sinh đăng ký nhiều hay ít để quyết định hình thức tuyển”, thầy Khang nói.
Chẳng hạn, với những trường có chỉ tiêu tuyển sinh bằng hoặc nhỏ hơn số đối tượng tuyển sinh đăng ký dự tuyển, chỉ cần xét tuyển, không phải tổ chức thi để đỡ tốn kém công sức và tiền của. Với những trường có số đối tượng tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu có thể tổ chức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Trong trường hợp tổ chức thi tuyển, việc cố định môn thi thứ 3 nên được thống nhất toàn quốc và ổn định lâu dài. Theo thầy Khang, phương án tốt nhất là tổ chức thi 3 môn cố định gồm Toán, Văn và Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh).
Lý do là ở cấp THPT, tiếng Anh là một trong 8 môn bắt buộc cho tất cả học sinh. Mặt khác, kết luận số 91 của Bộ Chính trị yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. “Do đó, việc chọn môn thứ ba là Ngoại ngữ là cần thiết”, thầy Khang nói.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc cố định môn thi thứ 3 sẽ không thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, dễ gây học tủ, học lệch. Thay vì bốc thăm hay chọn cố định môn, nên để học sinh tự chọn môn thi thứ 3 theo thế mạnh để tạo nền tảng năng lực đặc thù cho học sinh theo học cấp THPT thuận lợi. Thông qua đó, học sinh sẽ có định hướng nghề nghiệp, phân luồng sớm hơn thay vì chỉ tập trung trong 3 năm THPT.
Tuy nhiên theo thầy Khang, phương án này không khả thi, thậm chí gây rắc rối cho địa phương tổ chức thi do Sở GD-ĐT phải thiết kế thêm nhiều đề ở các môn thí sinh đăng ký thi.
“Mặt khác, tuyển sinh lớp 10 được thực hiện xét từ trên xuống dưới để ‘chốt’ điểm chuẩn, do đó rất khó đánh giá và thiếu sự công bằng nếu các thí sinh chọn thi ở nhiều môn khác nhau”, thầy Khang nói.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chon-mon-thi-thu-3-thi-vao-lop-10-nen-co-dinh-la-ngoai-ngu-2335643.html