GĐXH – Người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn cháo với liều lượng vừa phải. Ngoài ra, cần lưu ý trong cách chế biến cũng như có chế độ ăn riêng biệt để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường ăn cháo có được không?
Người bệnh tiểu đường ăn cháo có được không và có làm tăng đường huyết không là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống khoa học là điều rất cần thiết đối với người bệnh tiểu đường nhằm duy trì sự ổn định của đường máu. Mặc dù bản chất của cháo vẫn là tinh bột, song người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể đưa cháo vào thực đơn hàng ngày.
Tuy nhiên, để an toàn, người bệnh tiểu đường chỉ nên ăn với liều lượng vừa phải. Ngoài ra, cần lưu ý trong cách chế biến cũng như có chế độ ăn riêng biệt để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường ăn cháo bao nhiêu là đủ?
Đối với người bệnh đái tháo đường, để kiểm soát lượng đường trong máu thì việc kiêng khem một số nhóm thực phẩm tiểu đường là cần thiết. Tuy vậy, kiêng khem không có nghĩa là bắt buộc phải cắt hoàn toàn.
Theo khuyến cáo, đối với người bệnh mắc tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 thì lượng tinh bột tối đa có thể nạp vào cơ thể là không quá 100 gam trong một ngày. Điều này có nghĩa là 1 ngày 24 giờ, bạn có thể ăn 3 – 4 bữa nhưng tổng lượng tinh bột các bữa cộng lại không nên vượt quá 100 gam. Quy đổi ra thì một bữa người bệnh chỉ nên ăn 1 bát cháo.
Người bệnh tiểu đường ăn cháo nào tốt nhất?
Người bệnh tiểu đường ăn cháo được, không có nghĩa rằng tất cả các loại cháo đều an toàn cho đối tượng này.
Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên hạn chế ăn cháo lòng và các loại cháo ăn liền vì chúng thường chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, muối natri, chất bảo quản,… không tốt cho hệ tim mạch cũng khư sức khỏe tổng thể.
Khi nấu cháo, chúng ta không nên dùng mỗi gạo. Thay vì nấu cháo bằng gạo trắng, bạn nên đa dạng các loại ngũ cốc khác nhau. Các loại ngũ cốc tốt cho người bệnh tiểu đường như: cháo yến mạch, cháo diêm mạch, cháo hạt kê, hạt bo bo, đậu nành, đậu xanh, các loại ngũ cốc thô…
Cách ăn cháo an toàn hơn cho người tiểu đường
Hạn chế sử dụng gia vị
Người bệnh tiểu đường khi ăn cháo nên hạn chế sử dụng muối, đường, bột nêm, bột ngọt,… bởi chúng có thể gây ảnh hưởng đến đường huyết, huyết áp và thúc đẩy các biến chứng tim mạch khởi phát.
Bạn nên ưu tiên các loại gia vị tự nhiên như hành, tỏi, gừng,… để tăng hương vị và ít gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ và protein
Cháo trắng thiếu chất xơ và protein. Vì vậy, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, người bệnh nên kết hợp ăn cháo cùng các thực phẩm giàu chất xơ (đậu, ngũ cốc, rau xanh) và protein, đặc biệt là protein nạc (thịt gà bỏ da, cá béo và các loại thủy hải sản khác).
Theo dõi đường huyết trước và sau ăn
Cháo có nguy cơ khiến đường huyết tăng cao hay thấp sau bữa ăn là phụ thuộc nhiều vào lượng tiêu thụ. Vì vậy, đo đường huyết thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi ăn cháo, sẽ giúp bạn theo dõi sát sao phản ứng của cơ thể với món ăn này, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi phát hiện thấy dấu hiệu đường huyết bất thường.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mon-an-de-nau-re-tien-quen-thuoc-cua-nguoi-viet-nguoi-benh-tieu-duong-can-biet-dieu-nay-khi-an-de-on-dinh-duong-huyet-172241025120054959.htm