Một mùa cá bống trứng nữa lại về với miền Tây quê tôi. Tháng 9, 10 Âm lịch, nước phù sa tràn khắp cánh đồng. Đây là mùa cá bống trứng vào lứa đẻ.
Bước ra khỏi nhà, nhìn bốn bề gió lộng, đâu đâu cũng bắt gặp màu nước phù sa đỏ ngầu, ngai ngái. Người nhà quê gọi đó là mùa nước son.
Theo cách lý giải của ông tôi, sở dĩ gọi là con nước son vì màu nước đỏ ngầu, như màu lá trạng nguyên ửng điều trong chiều vàng.
Dường như cá bống trứng hợp với con nước son. Chúng kéo nhau về ngụ cư ở những chùm rễ lục bình, trong đám lá mía ngả ra mương hay ở những lùm cây thối.
Thậm chí, cá còn chui vào những quả dừa chuột khoét, trôi lềnh bềnh trên kênh, rạch.
Cá bống trứng ở ẩn và đẻ trứng, sinh con, nhung nhúc, loi nhoi như trứng kiến.
Nhớ ngày còn nhỏ, cứ mùa nước son về, lúc nào trên bàn ăn nhà tôi cũng có món cá bống trứng.
Đó là thành quả sau một buổi lao động vất vả của mẹ. Sáng sớm, chỉ đợi con nước lớn ngập đến cổ là mẹ và các cô, dì trong xóm rủ nhau đi xúc cá.
Cá bống trứng kho khô kẹo-đặc sản miền Tây mùa nước son-mùa lũ-mùa nước nổi. Tháng 9, 10 Âm lịch, nước phù sa màu son (nên còn gọi là nước son) tràn khắp cánh đồng. Khi xuất hiện nước son cũng là mùa cá bống trứng vào lứa đẻ.
Phụ nữ quê tôi rất giỏi chuyện này nên chỉ cần đặt chân xuống mương, xúc vài rổ là có đủ các loại cá bống cát, bống sao, bống dừa, bống sệ,.., đặc biệt là cá bống trứng.
Những đôi tay cần lao của phụ nữ nhà quê vô cùng nhanh nhẹn, chỉ đưa rổ vào các lùm cây, nhanh nhẹn quơ qua lại, trong tích tắc đã có tô cá bống trứng.
Mọi người đi xúc cá đến con nước rong, chuyển qua ròng thì lên bờ ra về. Bao giờ trong chiếc xoong to, cá cũng nằm đầy ắp.
Mẹ cắp xoong ra sau sàn nước, tỉ mẩn ngồi lựa từng loại cá. Cá bống dừa, bống cát, bống sao, tôm, tép bạc, mẹ đem ra chợ chiều để bán vì những loài thủy sản này khá đắt tiền. Riêng cá bống trứng được mẹ giữ lại để chế biến thức ăn cho cả nhà.
Bởi cá bống trứng lúc ấy rất rẻ, đi đâu người ta cũng bắt gặp, thậm chí trẻ con chỉ cần đưa rổ hứng vào chùm rễ lục bình là cá bống trứng nhảy xoi xói. Vì vậy mà giá trị của chúng không cao, chỉ dành để ăn trong nhà là chính.
Dù rằng ăn cá bống trứng trường kỳ, có khi cả tháng (hết mùa nước son) nhưng anh em chúng tôi vẫn không ngán. Bởi qua đôi bàn tay khéo léo của mẹ, cá bống trứng được chế biến nhiều món khác nhau.
Khi nào nấu canh lơ (canh rau tập tàng) thì mẹ kho khô tiêu phảng phất vị cay nồng. Lúc ba hái sau vườn một rổ rau sống thì mẹ đem cá bống trứng chiên bột, ăn kèm với nước mắm.
Thỉnh thoảng, mẹ lại xào cá bống trứng với lá cách hoặc kho nước cốt dừa sền sệt để chấm với bông súng hoặc bông điên điển.
Tôi khoái nhất cái cảm giác ăn ngay cái trứng vàng hươm của cá bống. Giòn, béo, ngọt, sựt sựt nghe thật ngon làm sao! Cái hương vị ấy không lẫn vào đâu được. Dù cá chẳng có thịt bao nhiêu, xương thì nhiều nhưng do mềm nên khi ăn có thể nhai tất cả.
Muốn cho cá dai, trứng giòn thì món cá bống trứng kho tiêu là đúng điệu nhất. Món này ăn kèm với rau muống, rau lang, bông so đũa luộc thì khỏi chê! Tất cả đều được trồng ở sau vườn nhà nên chẳng tốn kém gì.
Vậy đó, chỉ với chiếc rổ tre đơn giản đi xúc cá mà mẹ nuôi anh em chúng tôi khôn lớn nên người. Tôi rời quê đến nơi khác sinh sống, học hành rồi làm việc.
Những mùa cá bống dần xa trong tâm trí tôi. Để một ngày, bất chợt dạo chợ, bắt gặp một người đàn bà quê kê dép ngồi bán cá bống trứng, ký ức tuổi thơ ùa về. Giật mình chợt nhớ, mùa nước son lại về rồi sao?
Mở điện thoại lên gọi về cho mẹ: “Mùa này quê mình có cá bống trứng không hả mẹ?”. Mẹ thở dài, giọng khắc khoải: “Sao nay con lại hỏi chuyện đó? Mùa này cá đẻ trứng đấy nhưng hiếm lắm! Mẹ định mua về kho tiêu cho mày ăn mà mấy bữa nay chẳng thấy”.
Rồi mẹ nói, với kiểu tận diệt vô tội vạ, không cho chúng sinh sản, rồi nguồn nước ô nhiễm nên cá dần thưa thớt. Mùa cá bống trứng chỉ còn trong hoài niệm. Mùa nước son nữa lại về nhưng thật buồn khi cá bống trứng trốn biệt tích nơi nao.
Nguồn: https://danviet.vn/nuoc-son-o-mien-tay-la-nuoc-gi-sao-he-co-nuoc-son-la-ca-bong-trung-loai-ca-dac-san-boi-di-de-20241025150855762.htm