Trước việc học sinh mua ốc mượn hồn bán quanh trường đem vào lớp chơi rồi bị thương ở tay, nhà trường và phòng giáo dục ở Đà Nẵng yêu cầu nắm thông tin, cảnh báo không chơi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-10, ông Nguyễn Thanh Lịch, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), cho biết đã yêu cầu các trường học trên địa bàn nắm bắt, báo cáo việc học sinh mua loài “ốc lạ” có tên là ốc mượn hồn chơi rồi gặp rắc rối.
“Tôi đã gọi điện cho lãnh đạo phường, các trường học phối hợp tuyên truyền, cảnh báo chung” – ông Lịch nói.
Trước đó vào giờ ra chơi, một học sinh Trường tiểu học N.V.T. tại quận Liên Chiểu bất ngờ kêu khóc vì bị loài ốc có tên là “ốc mượn hồn” kẹp chặt vào đầu ngón tay. Các giáo viên, cán bộ y tế phải can thiệp.
Sau vài phút dùng kéo cố gắng tách, mới gỡ được ốc khỏi ngón tay của học sinh. Lúc này phần ngón tay bị sinh vật đâm vào có dấu hiệu sưng, tổn thương.
Học sinh này nói thấy bạn bè mua “ốc mượn hồn” để chơi nên ra nhà sách mua một con. Lúc đang chơi thì bị con vật nằm trong vỏ ốc kẹp chặt vào tay.
Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường nơi học sinh theo học yêu cầu các giáo viên gửi tin nhắn cho phụ huynh để cảnh giác, nhắc nhở con em không mua loài sinh vật này để chơi.
Chiều 25-10, khi tìm tới một nhà sách trên địa bàn quận Liên Chiểu, phóng viên dễ dàng mua được sinh vật mà một học sinh bị thương trong lúc chơi trước đó.
“Ốc này bán ở TP.HCM rất nhiều nhưng Đà Nẵng thì ít, tôi ra biển tìm cũng không thấy. Thấy vui nên tôi đặt hàng rồi đưa về nuôi trong bể cát.
Do nhà ở gần trường nên học sinh hằng ngày qua mua đồ. Thấy ốc hình dạng vui vui, một số em tò mò hỏi mua nên tôi bán giá mỗi con 20.000 đồng.
Mấy hôm trước tôi có bán cho học sinh, nhưng giờ cháu nào muốn mua thì phải có ba mẹ dẫn tới, đồng ý mua thì tôi mới bán” – chủ một nhà sách ở Liên Chiểu, nói.
“Ốc mượn hồn” là ốc gì?
Thời gian gần đây phong trào nuôi chơi ốc mượn hồn trở thành trào lưu thu hút nhiều người, đặc biệt là học sinh.
Ốc mượn hồn còn có tên gọi khác là cua ẩn sĩ, cua ký cư, cua ẩn cư. Loài cua này chui vào trong vỏ ốc rỗng và mang theo vỏ ốc khi di chuyển. Đặc điểm gây nguy hiểm khi tiếp xúc với sinh vật này là đầu các chân của chúng rất sắc nhọn, dễ dàng xuyên qua da nếu tiếp xúc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bao-hoc-sinh-khong-choi-oc-muon-hon-20241025160259262.htm