Trên cơ sở đó, tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số năm 2024 với các nội dung thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng huyện thành, phố.
Xây dựng mô hình Dân vận khéo “Chính quyền số – Vì Nhân dân phục vụ”
Căn cứ Kế hoạch phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các doanh nghiệp Bưu chính – Viễn thông trên địa bàn tỉnh về xây dựng mô hình Dân vận khéo “Chính quyền số – Vì nhân dân phục vụ” tại 03 xã Đạ Ròn, Tu Tra, Lạc Xuân huyện Đơn Dương. Với phương châm gần dân, sát dân, tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận đối với các hoạt động chuyển đổi số, từ ngày 20/8/2024 đến ngày 10/10/2024, Sở TT&TT đã cùng với các Doanh nghiệp Bưu chính – Viễn thông; Tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng Đoàn viên Thanh niên và UBND các xã Đạ Ròn, Tu Tra, Lạc Xuân đã đồng loạt ra quân thực hiện các hoạt động cụ thể:
– Phổ biến, hướng dẫn cho người dân trong việc sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Trang bị gần 500 bảng Mica để mã QR cho các cơ sở kinh doanh, cửa hàng tạp hóa và tiểu thương tại các chợ…
– Lắp đặt 24 Camera giám sát tại các địa điểm có lưu lượng tham gia giao thông cao và những nơi thường xuyên xảy ra các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh – chính trị và trật tự an toàn xã hội tại xã Đạ Ròn, Tu Tra.
– Phủ sóng Internet, phát wifi tại 35 nhà văn hóa thôn thuộc địa bàn 3 xã nhằm phục vụ bà con địa phương tiếp cận các hình thức giải trí, tra cứu các thông tin, sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương.
– Phát 30.000 tờ gấp tuyên truyền về: Cảnh báo các hành vi lừa đào trên môi trường mạng, phòng chống đuối nước cho trẻ em, phòng chống rác thải nhựa vì môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn giao thông.
Sở TT&TT và các doanh nghiệp Bưu chính – Viễn thông đã tiến hành bàn giao mô hình Dân vận khéo “Chuyển đổi số – Vì Nhân dân phục vụ” cho 3 xã .Với những kết quả bước đầu của mô hình mẫu “Chính quyền số – Vì Nhân dân phục vụ” được triển khai tại 3 xã của huyện Đơn Dương hy vọng sẽ là những mô hình tốt, hạt nhân tốt về chuyển đổi số để triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Phổ cập, truyền thông bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số năm 2024
Đã tổ chức triển khai phổ cập, truyền thông bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số năm 2024 thông qua việc hiển thị bộ nhận diện trên các bảng điện tử, màn hình công cộng thuộc sự quản lý, các trang web, ứng dụng di động của các sở, ban, ngành, địa phương và trên các báo điện tử của ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, địa phương hưởng ứng trên không gian mạng bằng cách thay ảnh đại diện có kèm khung hình nhận diện (avatar frame) Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Trên địa bàn toàn tỉnh với hơn 1100 Phướn dọc được treo tại các tuyến đường; hơn 100 Poster, 110 Pano, 750 Standee, 120 Băng rôn; tuyên truyền trên 250 màn hình LED, 25.000 tờ rơi, với hơn 220 tin bài, phóng sự, tất cả các nội dung được thực hiện với hình thức xã hội hóa và được triển khai đến cấp xã.
Tuyên truyền lộ trình tắt sóng 2G, tặng điện thoại 4G
Tuyên truyền, phổ biến về lộ trình dừng công nghệ di động 2G trên cổng/trang thông tin điện tử, trên hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương với các hình thức phù hợp để cán bộ, công chức viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng. Cơ quan báo, đài địa phương tăng cường đưa tin, bài. Các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp chuyển đổi máy điện thoại 2G Only lên máy điện thoại công nghệ cao hơn, ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi. Đặc biệt, chú trọng đến người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đợt này các doanh nghiệp viễn thông đã hỗ trợ chuyển đổi và tặng điện thoại 4G cho gần 16.000 thuê bao 2G Only, tặng hơn 350.000 thẻ cào cho khách hàng chuyển đổi.
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số
Phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức khảo sát và hướng dẫn hoạt động của Tổ Công nghệ số trên địa bàn xã Xuân Thọ, Tp. Đà Lạt. Tại các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn kỹ năng hoạt động cho tổ công nghệ số cộng đồng với 7.087 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tham dự. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo với hơn 40 học viên là đại diện lãnh đạo của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố và 2 lớp dành cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham mưu về chuyển đổi số với gần 100 học viên. Ngoài ra, tại các địa phương, sở/ngành còn tổ chức trao đổi các chuyên đề về chuyển đổi số nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số năm 2024.
Thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số
Từ 15/9/2024 đến 15/10/2024 các tổ công nghệ số cộng đồng đã đồng loạt thực hiện chiến dịch ra quân “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”. Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.367 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/tổ dân phố với 9.088 thành viên tham gia, đạt tỷ lệ 100% thôn/tổ dân phố có tổ công nghệ số cộng đồng.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Các ngân hàng thương mại tại địa phương thực hiện hướng dẫn, trải nghiệm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân như: Thanh toán bằng mã QR, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, ví điện tử, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua Internet… triển khai QR code tại hơn 1.200 điểm bán, hộ kinh doanh, mở 3.255 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt…Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện giới thiệu, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng chữ ký số cá nhân trong các hoạt động giao dịch điện tử. Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực hành chính công; khu vực dịch vụ công; đặc biệt đối với các cơ sở giáo dục; cơ sở khám chữa bệnh; chi trả an sinh xã hội; chi lương hưu, trợ cấp BHXH; chi trợ cấp một lần; chi trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp…
Tặng chữ ký số cá nhân miễn phí cho người dân
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã tặng chữ ký số cá nhân (miễn phí 12 tháng) cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng với gần 800 chữ ký số được tặng.
Tổ chức cuộc thi để nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số
Trong tháng 10/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh và chuyển đổi số”. Cuộc thi được tổ chức trên môi trường internet, với nội dung: Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh Lâm Đồng và một số nội dung được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước về ý nghĩa và tầm quan trọng trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với 03 tuần thi, từ 10g00 ngày 30/9/2024 và kết thúc vào 09g30 ngày 21/10/2024, theo hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến tại địa chỉ website cuocthicongdoan.lamdong.gov.vn và các trang thông tin điện tử có link liên kết cuộc thi. Bên cạnh đó, tại các địa phương cũng đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Chuyển đổi số.
Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc
Lâm Đồng đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc, công khai thông tin tại địa chỉ https://tingia.lamdong.gov.vn/.
Thiết lập kênh tương tác qua Zalo “Chống tin giả Lâm Đồng” và số điện thoại đường dây nóng 0912 01 08 01 – hoạt động 24/7 để tiếp nhận tin giả, tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, còn tiếp nhận nội dung phản ánh thông qua hệ thống bưu chính và địa chỉ email: [email protected].
Qua các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đã góp phần cao nhận thức chuyển đổi số trong toàn xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế – xã hội. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/lam-dong-nhieu-hoat-dong-huong-ung-ngay-chuyen-doi-nam-2024-197241011111649555.htm