(Tổ Quốc) – Phải mất từ 20 đến 30 năm, lễ hội A Riêu Car mới được người đồng bào Pa Cô tổ chức một lần, nên mỗi lần diễn ra, lễ hội được chuẩn bị hết sức chu đáo. Đây cũng được xem là lễ hội linh thiêng và lớn nhất của dân tộc Pa Cô.
Nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới là huyện miền núi biên giới có diện tích tự nhiên 1.148,5 km2. Toàn huyện A Lưới có tổng số hộ dân là hơn 14.000 hộ, khoảng 53.000 khẩu với 28 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 77,5%.
A Lưới còn được biết đến là địa phương còn lưu giữ nhiều lễ hội, nghi lễ, nghi thức truyền thống tiêu biểu. Các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, văn hóa ẩm thực mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Bru Vân Kiều… đã góp phần tạo nên cho vùng đất này một nền văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo, đậm đà bản sắc.
Thời gian qua, nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện A Lưới đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác nghiên cứu phục hồi, tái hiện nhiều nghi lễ, lễ hội. Trong đó, không thể không nhắc đến việc tái hiện thành công lễ hội A Riêu Car của đồng bào dân tộc Pa Cô.
Theo Phòng VHTT huyện A Lưới, A Riêu Car (lễ cải táng) là lễ hội linh thiêng và lớn nhất của dân tộc Pa Cô. Là dịp để thể hiện tình cảm sâu nặng, trọn nghĩa vẹn tình, là sợi dây nối dài tình yêu thương giữa người sống đối với người đã mất. Lễ hội được tổ chức cũng nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các bản, làng kết nghĩa để giúp đỡ nhau khi rủi ro, hoạn nạn, tạo điều kiện cho nhau đất đai để canh tác.
Bên cạnh đó, lễ hội A Riêu Car còn là dịp để gắn kết tình nghĩa thông gia, bạn bè, anh em. Hóa giải những mâu thuẫn, khúc mắc giữa các làng bản, các gia đình. Đồng thời, lễ hội cũng chính là hương ước, quy ước của làng về những điều con, cháu, làng, bản không được mắc phải.
Tại huyện A Lưới, lễ hội A Riêu Car của đồng bào dân tộc Pa Cô có quy mô rất lớn. Phải mất từ 20 đến 30 năm mới diễn ra một lần, nên mỗi khi tổ chức, lễ hội được chuẩn bị hết sức chu đáo từ lễ vật đến không gian, thời gian, địa điểm. Đặc biệt, phải xây dựng nhà Piing mới (nhà mồ) cho người đã khuất để người đã khuất được yên nghỉ, linh hồn được siêu thoát.
Lễ hội A Riêu Car có hơn 20 bước nghi thức khác nhau. Trong đó có các nghi thức đáng chú ý như: Ta mŏŏt vĕĕl đâng ân chaih (đón khách tại đầu làng), Pa đoh ân đoong (báo hiệu lễ hội), Veel moot (đón khách đến dự), Pa kloaq (thể hiện sự tôn trọng, quý mến của chủ hội đối với những khách quý đến tham dự lễ hội), Pa dưưn Veel (vũ điệu chào mừng), Pa xâr tâm mooi (tiếp khách), Pa choo tâm mooi (tiễn khách).…
Phần trọng tâm và quan trọng nhất của lễ hội A Riêu Car là nghi lễ Chật Ty riaq (nghi lễ đâm trâu). Nghi lễ này tỏ lòng tạ ơn các vị thần linh ban tặng cho con cháu bản làng, dòng sông, con suối, đồi núi, đất đai và tài nguyên thiên nhiên quý để xây dựng nhà cửa, công trình, đem lại cho bà con dân bản cuộc sống no đủ. Ngày nay, để phù hợp và thích ứng với đời sống hiện đại, đồng bào Pa Cô tại huyện A Lưới đã sử dụng con trâu giả tượng trưng để thực hiện các nghi thức truyền thống của dân tộc mình.
Nghi lễ cuối cùng của lễ hội A Riêu Car là nghi lễ Zi zar. Zi zar báo hiệu rằng Lễ hội A Riêu Car truyền thống, linh thiêng đã đến hồi kết thúc, hẹn gặp lại mọi người ở lễ hội A Riêu Car mùa sau. Các vị cao niên người đồng bào Pa Cô cho hay, lễ hội A Riêu Car diễn ra cũng là dịp các vị già làng, những người có uy tín được gặp nhau và cùng nhau khẳng định mối tình gắn bó keo sơn, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau, tôn trọng quyền và lợi ích của nhau như đã định ước giữa các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn.
“Lễ hội A Riêu Car thường được dân làng tổ chức hai ngày, hai đêm. Ngày cuối cùng, khi đưa hài cốt lên mồ thì già làng bên mời làm thủ tục đưa già làng bạn trở về làng của mình”, già làng Lê Tuấn Mõ (xã Hồng Thượng) cho biết.
Hiện nay, các bước nghi lễ trong lễ hội A Riêu Car được tổ chức tái hiện lại bởi những diễn viên, nghệ nhân là người dân đồng bào dân tộc Pa Cô sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới. Các buổi tái hiện này được tổ chức tại ngay tại ngôi nhà truyền thống đồng bào Pa Cô nằm trong Làng Văn hóa các dân tộc huyện A Lưới.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho hay, với sự hưởng ứng của cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, bà con ở các làng bản, đây là một cách làm hay để người dân đồng bào Pa Cô cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, trong tương lai cũng có thể nghiên cứu, đưa việc tái hiện lễ hội A Riêu Car trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Làng Văn hóa các dân tộc huyện A Lưới.
Nguồn: https://toquoc.vn/a-rieu-car-le-hoi-that-chat-tinh-doan-ket-giua-cac-ban-lang-20241025100453817.htm