Theo các chuyên gia, việc Fed giảm lãi suất đã tác động rất lớn đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì lãi suất ở mức thấp, giúp giảm gánh nặng về chi phí lãi cho doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ tại phiên thảo luận bàn tròn chính sách về chủ đề “Những tác động tiềm ẩn trong việc thay đổi lãi suất của Fed đối với nền kinh tế Việt Nam” diễn ra chiều 24/10, PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc Học viện phụ trách Ban Giám đốc, Học viện Ngân hàng – đánh giá, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất điều hành 0,5 điểm % sau thời gian dài liên tục tăng ảnh hưởng tới hoạt động điều hành tiền tệ của tất cả các quốc gia có quan hệ đối tác thương mại với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, động thái của Fed có những tác động cụ thể.
Thứ nhất, giúp thu hẹp khoảng cách về lãi suất giữa VND và USD, qua đó giảm áp lực tới tỷ giá VND/USD. “Như vậy, áp lực tới thị trường ngoại tệ cũng như áp lực tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ giảm theo”, PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh nêu quan điểm.
Thứ hai, việc này sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì lãi suất ở mức thấp, giúp giảm gánh nặng về chi phí lãi cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh, ngoài hai tác động nói trên đối với Việt Nam, việc hạ lãi suất của Fed cũng tác động tích cực đến cán cân thương mại, khi doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm áp lực về tỷ giá.
Bà Hoàng Anh dẫn chứng: “Việc VND không bị giảm giá quá mức sẽ khiến giá hàng hoá nhập khẩu không quá đắt, dẫn đến sản xuất đối với hàng xuất khẩu không chịu áp lực của việc tăng giá, làm giảm giá thành đối với hàng xuất khẩu, giúp tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT Công ty CP FiinGroup – việc Fed giảm lãi suất cũng sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong huy động vốn quốc tế để thực hiện các dự án lớn về hạ tầng.
Riêng về thị trường nợ doanh nghiệp, theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân, trong 3-4 năm qua, việc vay nợ trái phiếu từ nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là rất ít; chỉ có một vài doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như Masan.
“Chúng tôi kỳ vọng việc giảm lãi suất và tiếp tục giảm lãi suất của Fed sẽ tạo chất xúc tác cho thị trường vốn trên thị trường quốc tế được thuận lợi hơn với các doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch FiinGroup nêu quan điểm.
Điểm đặc biệt lưu ý là các dịch vụ tài trợ thương mại đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều. Bởi, tất cả giao dịch xuất nhập khẩu đều chịu ràng buộc về chi phí như bảo hiểm, tài chính sẽ giảm.
“Nói tóm lại lợi ích từ việc Fed giảm lãi suất cho chúng ta là vô cùng lớn. Vấn đề là làm thế nào để có thể tận dụng được xu thế đó”, ông Thuân lưu ý.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào việc Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, với mức giảm từ 0,25-0,5%/năm, nhất là trong bối cảnh các yếu tố nội tại của nền kinh tế Mỹ đang thuận lợi cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, những doanh nghiệp phải nhập thiết bị, nguyên vật liệu từ nước ngoài sẽ được hưởng lợi và họ mong chờ Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa.
Về triển vọng tháng tới Fed có tiếp tục giảm lãi suất hay không, GS. Đỗ Xuân Hùng – Đại học Massey, Giám đốc Mạng lưới Tài chính – Ngân hàng (AVSE Global), cho rằng xác suất giảm là rất cao. Nhưng cũng như nhận định của nhiều chuyên gia, GS. Đỗ Xuân Hùng cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất một cách từ từ, sẽ không có một đợt giảm mạnh và không nên kỳ vọng quá lớn vào một đợt giảm mạnh lãi suất của Fed.
Tuy nhiên, ông Hùng phân tích, chính sách tiền tệ của Mỹ hay các quốc gia khác còn phụ thuộc vào các cuộc xung đột về địa chính trị trên thế giới, cũng như phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Phiên thảo luận chủ đề “Những tác động tiềm ẩn trong việc thay đổi lãi suất của Fed đối với nền kinh tế Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Tài chính Ngân hàng 2024 (8th Vietnam Symposium in Banking and Finance – VSBF 2024) lần thứ 8, do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Quốc tế vì sự tiến bộ của Kinh tế Tài chính (ISAFE), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Massey cùng phối hợp tổ chức. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/quyet-dinh-cua-cuc-du-tru-lien-bang-my-giup-viet-nam-giam-ap-luc-ty-gia-2335319.html