Đặt cọc là hành động được thực hiện trong nhiều giao dịch hợp đồng, nhằm đảm bảo tính minh bạch và thực hiện đúng cam kết giữa các bên. Khi bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc các tài sản có giá trị khác sẽ tạo nên sự tin tưởng và trách nhiệm trong giao kết hợp đồng.
Thời gian đặt cọc thường được quy định rõ trong hợp đồng và có thể sử dụng để đảm bảo cả hai bên tuân thủ cam kết. Sau khi hợp đồng được thực hiện thành công, tài sản đặt cọc sẽ được trả lại hoặc trừ vào các khoản phí khác. Trong trường hợp một trong hai bên không tuân thủ hợp đồng, tài sản đặt cọc có thể sử dụng để bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định, trong trường hợp hợp đồng được giao kết, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng tài sản thì tài sản dùng để đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận cọc. Tuy nhiên nếu bên nhận cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì sẽ phải trả lại cho bên đặt cọc toàn bộ tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương ứng giá trị tài sản đã đặt cọc (trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng đặt cọc).
Riêng với trường hợp chủ thể tham gia hợp đồng là cá nhân đã mất hoặc pháp nhân đã chấm dứt hợp đồng, hoặc vô hiệu hợp đồng do đối tượng của hợp đồng không hợp pháp…thì lúc này các bên sẽ trả lại tài sản đặt cọc và chấm dứt hợp đồng.
Trong trường hợp bên nhận đặt cọc không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì có thể thỏa thuận với bên đặt cọc về việc hoàn trả tiền cọc và chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên đối với trường hợp này, khi bên nhận đặt cọc hoàn trả tiền cọc sẽ có thể bị phạt tiền đặt cọc.
Đối với trường hợp cả hai bên không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng, lúc này có thể trực tiếp thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tiền đặt cọc và chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên trong trường hợp này bên đặt cọc thường sẽ mất cọc, chỉ trừ trường hợp thỏa thuận được với bên nhận đặt cọc về việc hoàn trả lại tiền cọc.