Từ một dây tiêu mọc lặng lẽ trong vườn nhà, anh Lâm Ngọc Nhâm đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Bầu Mây nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vang danh ở nhiều thị trường quốc tế.
Hành trình lập nghiệp với cây tiêu
Một buổi sáng, tôi theo đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đi tham quan các điểm nông thôn mới ở huyện Xuyên Mộc. Chúng tôi tới một vùng hồ tiêu ngút ngàn, những cột nắng trắng xóa đan xen giữa những hàng hồ tiêu lá xanh rờn cùng những chùm hạt sai chi chít. Giữa vườn cây xanh ngắt ấy, một anh nông dân có dáng người thư sinh đang chăm chú pha chế phân hữu cơ trong một chiếc thùng khá lớn. Trên mặt thùng nước nổi lên một màu vàng đục hơi khác lạ, tò mò nên tôi dừng lại hỏi:”Anh xử lý loại phân gì mà tôi thấy màu hơi lạ?”. Anh dừng tay mỉm cười trả lời: “Đây là loại phân hữu cơ gia truyền để tưới cho cây hồ tiêu!”.
Có người trong đoàn nhận ra đây chính là anh nông dân Lâm Ngọc Nhâm – nhà sáng lập thương hiệu Tiêu Bầu Mây nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh Nhâm còn có biệt danh là “Sao thần nông”, là nông dân tỷ phú, là “cha đẻ” tiêu Bầu Mây. Cả đoàn dừng lại tíu tít hỏi thăm và cùng anh trò chuyện ngay tại khu vườn hồ tiêu.
Anh kể cho chúng tôi biết, anh sinh ra quê ở Tuyên Quang, nhà anh có 12 anh em, theo thứ tự anh em trong nhà thì anh là thứ tám. Trong một lần bố anh vào huyện Xuyên Mộc thăm người thân, thấy đây là nơi có khí hậu ổn định, đất đai màu mỡ, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng trong đó có cây hồ tiêu, ông quyết định đưa gia đình từ Bắc vào Nam sinh sống và lập nghiệp. Bố mẹ Nhâm nhanh chóng mua một mảnh đất làm nhà và bắt tay vào khai hoang đất rừng. Khai khẩn đến đâu trồng cây đến đó. Chẳng bao lâu gia đình Nhâm đã có một khu vườn rộng 3ha. Đó là một khu vườn tạp, trồng đủ các loại cây: Nhãn, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mít, xoài, điều… và chăn nuôi lợn, gà.
Trong khi gia đình anh và bà con trong xã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có thành quả lao động thì bị thương lái chèn ép giá. Tình cảnh đó làm cho chàng trai trẻ Lâm Ngọc Nhâm nhiều đêm trăn trở suy nghĩ: “Mình phải làm điều gì đó để phát triển kinh tế cho chính gia đình mình, cũng như cho những người xung quanh mình để mọi người cùng nhau ổn định cuộc sống tốt hơn”.
Tôi chợt hỏi: “Sao anh lại đặt tên tiêu Bầu Mây, tôi thấy tên đó chả gắn gì với vùng đất này?”. Anh cười giòn tan: “Có gắn đấy chứ. Sự nghiệp của tôi phát triển như ngày nay chính nhờ cái tên Bầu Mây đây các anh chị ạ!”.
Rồi anh lại chậm rãi kể cho chúng tôi nghe chuyện: Ngày mới vào gia đình anh trồng đủ loại cây, trong đó có hồ tiêu. Vườn cây tạp, cây không đồng đều nên thu hoạch không cao. Lúc đó phong trào chuyển đổi trồng tiêu bùng phát mạnh, thôi thúc gia đình anh chuyển đổi 3ha vườn sang trồng tiêu. Cũng chính thời gian đó, anh phát hiện ra ở một trụ tiêu có một dây tiêu mọc rất cao rễ to khỏe, chùm hạt sai trĩu, không bị sâu bệnh. Phát hiện ra giống cây tốt, anh theo dõi nhiều năm và thấy cây tiêu đó cho thu hoạch cao. Do đó anh đặt cho cây tiêu đó là Bầu Mây. Tên thương hiệu tiêu Bầu Mây chính là bước đầu khởi nghiệp và cũng là bước ngoặt lớn vươn lên làm giàu, giúp anh thành công cho đến ngày hôm nay.
Những mùa quả ngọt
Với những thành công trên, anh Lâm Ngọc Nhâm đã được tặng nhiều bằng khen của tỉnh, của Liên minh HTX Việt Nam; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Anh cũng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Nhà khoa học của nhà nông.
Để nhân giống tiêu Bầu Mây phải mất 18 tháng, không giống loại tiêu thường ngoài thị trường, giống tiêu Bầu Mây được anh nhân giống dần và thể nghiệm từng khu đất. Anh Nhâm không thay đổi hàng loạt mà thay theo kiểu cuốn chiếu. Đặc biệt dây tiêu Bầu Mây rất khỏe, rễ ra gấp 7 – 10 lần tiêu thường và không bị sâu bệnh. Sau 7 năm nghiên cứu, học hỏi qua Trung tâm Khuyến nông, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, cuối cùng với sự kiên trì, say mê tìm hiểu, học hỏi, anh Nhâm đã tìm được tiêu giống mới, đó là tiêu Bầu Mây.
Giống tiêu Bầu Mây được phát triển trong sự kiểm soát chặt chẽ, chăm sóc riêng để thí nghiệm và sử dụng phân bón hữu cơ bón cho tiêu. Phân hữu cơ do anh tự chế bằng phôi trứng và cua để bón cho cây tiêu. Chính vì thế, tiêu Bầu Mây cho năng suất khá cao, từ 10 – 12 tấn/ha và giá trị gấp hơn 50 lần tiêu thường. Cho đến nay, anh Nhâm đã liên kết với các hộ trồng hơn 1.700ha tiêu.
Hồ tiêu thu hoạch được phơi sấy hoàn toàn bằng ánh nắng mặt trời, đem lại giá trị và hàm lượng dinh dưỡng cao đối với hạt tiêu thành phẩm do anh sáng chế. Anh còn chuyển hóa sản phẩm tiêu thô gia vị trở thành một loại tiêu thần kỳ cao cấp tinh hoa nhất của hạt tiêu và phân 6 cấp độ cay: Tiêu sữa, tiêu muối, tiêu xanh muối, tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu xanh giòn.
Anh Nhâm chỉ cho chúng tôi biết dưới gốc cây tiêu Bầu Mây là những gốc hoài sơn (củ mài) được trồng cộng sinh trong vườn tiêu vì hoài sơn ưa dưới tán cây mát. Anh mất gần 8 năm nghiên cứu chỉ để tìm được hệ thống thoát nước ngầm cho vườn tiêu, khi hoài sơn có rễ ăn ngang, cây lớn và củ đâm sâu tạo thành vết nứt, đây là hệ thống thoát nước ngầm tốt nhất cho hồ tiêu, giữ độ ẩm làm cho đất tơi xốp.
Nói đến củ hoài sơn, ai cũng biết đó là một loại thuốc quý, anh đã sáng tạo chế biến củ hoài sơn thô thành bột, thành bún tươi hoài sơn.
“Động cơ nào khiến anh kiên trì nhiều năm nghiên cứu cây tiêu và củ hoài sơn vậy?” – một người trong đoàn hỏi. Anh Nhâm cười rất tươi rồi hóm hỉnh trả lời mọi người: Tôi nghĩ mỗi chúng ta ai cũng có một ước mơ và ước mơ của tôi là mang nông sản Việt Nam đi khắp thế giới. Khi thế giới nói đến nông nghiệp giá trị cao là nói đến Việt Nam và nói đến Việt Nam là nói đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có Tiêu Bầu Mây. Tôi có niềm tin sản phẩm tiêu Bầu Mây mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng”.
Đến nay thương hiệu Bầu Mây đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước và quốc tế tại cục sở hữu trí tuệ. Công ty Bầu Mây, HTX Bầu Mây đã trở thành nhà cung cấp tiêu Bầu Mây số 1 của Việt Nam cho các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Dubai…
Anh đã xây dựng câu lạc bộ, HTX, mô hình làm giàu và cùng chia sẻ kinh nghiêm đưa giống Bầu Mây phát triển trên toàn quốc tạo hướng đi cho hồ tiêu bền vững. Tiêu Bầu Mây không những phát triển ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn phát triển tại tỉnh Đồng Nai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị…
Nguồn: https://danviet.vn/tu-day-tieu-nho-goc-vuon-anh-nong-dan-ba-ria-vung-tau-lam-thanh-thuong-hieu-tieu-bau-may-vang-danh-thien-ha-20241024164216843.htm