“Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, DN, doanh nhân đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội. Hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến DN có ý nghĩa lớn với cả hai phía DN và báo chí, khi đóng góp quan trọng vào việc thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cũng như xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn”.
Quan điểm này được đưa ra tại Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024” với chủ đề: “Nâng cao chất lượng thông tin về doanh nghiệp trên báo chí”, do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.
Báo chí là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh
Nêu quan điểm về mối quan hệ giữa báo chí và DN, Nhà báo, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, mối quan hệ giữa báo chí và DN là mối quan hệ “đồng hành cùng phát triển”. Báo chí hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin giúp nhà nước hoàn thiện chính sách quản lý. Thông tin báo chí về kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội và sự phát triển của DN. Với vai trò cầu nối giữa Nhà nước, DN và nhân dân, báo chí cần không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo, một bài báo có thể giúp cho DN thành công, nhưng cũng có thể làm sụp đổ cả một thương hiệu nếu thông tin không được kiểm chứng cẩn thận. Do vậy, việc nâng cao chất lượng thông tin báo chí kinh tế không chỉ là nhiệm vụ riêng của người làm báo, còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Khẳng định môi trường truyền thông, báo chí là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đánh giá, môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, hoạt động DN, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các DN, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
“Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, DN, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến DN có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía DN và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn”, ông Công nêu rõ.
Quan hệ hợp tác giữa báo chí và DN chưa bền vững
Trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của DN Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của DN trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của DN nước nhà.
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin DN cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập, giúp DN phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình.
“Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí – DN luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn”, ông Minh nói.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông Lê Quốc Minh thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, nhiều bài báo viết về DN còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của DN, dẫn đến thông tin về DN đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Cùng với đó, báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và DN vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.
Có một thực tế hiện nay là nhiều DN quy mô lớn còn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh DN, dẫn đến việc giao dịch giữa DN và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giản tính hấp dẫn và hiệu quả. Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với DN, gây áp lực lên các cơ quan quản lý quản lý phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng.
Do đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hoặc là sự phiền phức, mối quan hệ này sẽ trở nên rất khập khiễng.
“Cả xã hội, cả thế giới đều cần truyền thông có trách nhiệm, việc này một mình báo chí không thể làm được. Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, để báo chí và DN cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – DN trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau”, ông Lâm nhận định.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó có nêu vấn đề phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước. Diễn đàn ngày 24/10 chính là hoạt động thiết thực góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/mot-bai-bao-co-the-giup-dn-thanh-cong-nhung-cung-co-the-lam-sup-do-ca-mot-thuong-hieu-post1130673.vov