Ngày 23/10, Nhà Trắng thông báo, các đồng minh phương Tây đang tiến hành gói vay 50 tỷ USD cho Ukraine, được bảo đảm bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga, trong đó, có khoản đóng góp 20 tỷ USD của Mỹ.
Khoản tiền G7 cho Ukraine vay được trả lại bằng lãi suất kiếm được từ các tài sản có chủ quyền của Nga bị đóng băng.(Nguồn: Getty Images) |
Trong một tuyên bố chính thức khi công bố gói viện trợ nói trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, 20 tỷ USD từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là một phần trong gói hỗ trợ Ukraine của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Khoản tiền này sẽ được trả lại bằng lãi suất kiếm được từ các tài sản có chủ quyền của Nga hiện đang bị đóng băng tại phương Tây.
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: “Nói cách khác, Ukraine có thể nhận được sự hỗ trợ ngay bây giờ mà không gây gánh nặng về thuế”.
Tổng thống Biden mô tả, các khoản vay là để hỗ trợ người dân Ukraine “trong quá trình bảo vệ và xây dựng lại đất nước”.
Các quan chức chính quyền Mỹ coi khoản tiền nói trên rất quan trọng đối với nền kinh tế đang phải đối mặt với chiến dịch quân sự đặc biệt trước những tháng mùa Đông.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng về kinh tế quốc tế Daleep Singh nhấn mạnh: “Kiev sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết ngay bây giờ”.
Thông báo về khoản vay nói trên được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Những nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã cố gắng đẩy nhanh các cuộc đàm phán về khoản vay do lo ngại ngày càng tăng rằng, viện trợ của Washington cho Kiev có thể bị cắt nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Cựu Tổng thống Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu ông được bầu.
Theo ông Singh, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giải ngân ít nhất một nửa trong số 20 tỷ USD vào tháng 12 tới. Chính quyền có kế hoạch sử dụng một nửa khoản vay cho hỗ trợ kinh tế và một nửa còn lại cho viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev.
Nhưng Nhà Trắng sẽ cần phải đảm bảo thêm thẩm quyền từ Quốc hội để cung cấp một phần khoản vay dưới dạng hỗ trợ quân sự. “Nếu Nhà Trắng không thể đạt được thỏa thuận với cơ quan lập pháp để đảm bảo các thẩm quyền cần thiết, chính quyền sẽ thay đổi và cung cấp toàn bộ số tiền cho vay dưới dạng viện trợ kinh tế”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng thông tin.
30 tỷ USD còn lại trong gói cho vay sẽ đến từ Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác G7, bao gồm Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản.
Ông Singh nhấn mạnh: “Như chúng tôi đã cam kết hồi tháng 6, G7 sẽ bắt đầu phân bổ viện trợ vì lợi ích của Ukraine vào cuối năm nay. Điều này sẽ giúp đất nước đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khi mùa Đông đang đến gần, đồng thời gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng, Mỹ và các đối tác G7 sẽ không mệt mỏi trong vấn đề hỗ trợ Kiev.
Thông tin chi tiết hơn sẽ được công bố sau cuộc họp trong tháng 10 này của các Bộ trưởng tài chính G7″.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quốc gia phương Tây đã đóng băng tài sản của Moscow trong các tài khoản ngân hàng tại châu Âu và Mỹ. Đây là một phần của làn sóng trừng phạt lớn được ban hành với Nga.
Khoảng 300 tỷ Euro tài sản xứ bạch dương bị đóng băng ở châu Âu. Trong đó, hơn 200 tỷ Euro nằm trong EU, chủ yếu tại các tài khoản của Euroclear của Bỉ, một trong những hệ thống thanh toán và bù trừ lớn nhất thế giới.
Theo Euroclear, tính đến giữa tháng 7/2024, các tài sản bị đóng băng đã tạo ra 3,4 tỷ Euro (3,7 tỷ USD) tiền lãi.
Với Nga, Bộ Ngoại giao nước này mô tả hành động đóng băng tài sản của nước này ở châu Âu là hành vi trộm cắp, lưu ý EU không chỉ nhắm vào các quỹ tư nhân mà còn cả tài sản nhà nước của Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố: “Đất nước sẽ đáp trả nếu tài sản bị đóng băng ở phương Tây bị tịch thu. Moscow cũng có quyền tịch thu các quỹ của các nước phương Tây tại Nga. Chúng tôi có lý do để tiến hành những biện pháp nhằm đáp trả trước những quyết định bất hợp pháp như vậy khối 27 thành viên”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tai-san-nga-bi-phong-toa-quang-ganh-lo-lien-quan-den-bau-cu-my-sap-gui-tien-den-ukraine-dung-nhu-cam-ket-291171.html