Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người lao động (NLĐ) tăng, nhất là lao động bị mất việc do công ty giảm đơn hàng, giải thể, nhiều đối tượng đã lên mạng tung tin tuyển dụng công việc “ảo” nhằm thu hút NLĐ vào tìm việc để thu lợi bất chính.
Người lao động nên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai để tìm hiểu việc làm và phỏng vấn để tìm được công việc phù hợp. Ảnh: L.MAI |
Do thiếu thông tin và nôn nóng kiếm được việc để có thu nhập, nhiều NLĐ đã bị “sập bẫy” bởi các thông tin tuyển dụng online với nội dung công việc hấp dẫn cùng nhiều hứa hẹn về thu nhập, hoa hồng bán hàng cao và cơ hội thăng tiến.
NLĐ cần tỉnh táo
Chị N.K.V. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, khi có quyết định nghỉ việc từ tháng 2-2023 do doanh nghiệp (DN) giải thể, chị đã lên mạng tìm việc làm và được giới thiệu công việc trực trang web chuyên bán mỹ phẩm với lương 5,5 triệu đồng/tháng. Thấy công việc phù hợp với khả năng và mức lương theo giới thiệu của người tư vấn khá ổn, chị V. đăng ký tham gia và chuyển 750 ngàn đồng để mua bộ mỹ phẩm sử dụng (điều kiện bắt buộc của công ty cho nhân viên mới). Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền, chị V. không liên lạc được với tư vấn viên trước đó.
Theo Bộ LĐ-TBXH, để có thông tin việc làm tốt nhất, NLĐ nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm. Để đáp ứng nhu cầu tìm việc cho NLĐ cũng như kết nối với DN, các trung tâm dịch vụ việc làm đều có những phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, NLĐ có thể đến trực tiếp hoặc lên mạng truy cập vào website của các trung tâm dịch vụ việc làm có thể dễ dàng tìm kiếm được công việc phù hợp và không bị mất phí.
|
Theo chị V., do bản thân đã lớn tuổi và thời điểm này xin việc khó khăn nên chị buộc phải tìm việc trên mạng xã hội. Khi chị để lại số điện thoại trên trang tuyển lao động thì được một tư vấn viên gọi điện, yêu cầu kết bạn qua Zalo để giới thiệu việc làm và cách thức đăng ký mở tài khoản. Qua trao đổi và hướng dẫn công việc với nhân viên tên Quỳnh, chị được cấp tài khoản quản lý đơn hàng và bắt buộc mua bộ mỹ phẩm để giới thiệu cho khách.
“Sau khi chuyển tiền và chụp ảnh gửi lại tư vấn viên thì bên kia khóa luôn Zalo và số điện thoại. Tài khoản cấp cho tôi để quản lý đơn hàng cũng không đăng nhập được. Lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa” – chị V. chia sẻ.
Cũng nhẹ dạ tin theo thông tin giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, chị L.T.T. (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đã làm theo các chỉ dẫn của chủ bài đăng tuyển nhân viên làm công việc nhập đơn hàng vào máy tính với mức lương 200 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, việc làm không có, chị T. lại bị mất tiền oan.
Theo chị T., chị vào link do chủ tài khoản gửi, điền các thông tin cá nhân và nạp 300 ngàn đồng để được cấp tài khoản làm việc. Nạp tiền xong, liên lạc lại thì chị T. không tìm thấy bài đăng đâu nữa, nhắn tin cũng không được.
2 trường hợp trên không còn là chuyện hiếm mà khá phổ biến hiện nay. Lợi dụng tâm lý muốn tìm việc của NLĐ, sinh viên tìm việc làm thêm, các đối tượng lừa đảo đã lập những trang web, fanpage tuyển dụng lao động với những lời hứa hẹn về lương, hoa hồng để dụ NLĐ. Để có thể trở thành thành viên, NLĐ buộc phải mua sản phẩm của công ty hoặc chuyển tiền mở tài khoản làm việc. Nhiều lao động tìm việc chia sẻ, họ bị mất tiền oan từ 300-500 ngàn đồng bởi các chiêu trò lừa đảo ở các dạng công việc như: đánh văn bản, đánh mã, đăng bài vào các hội nhóm, viết review, xem video, bán hàng…
Để người tìm việc tin tưởng, các đối tượng còn lập tài khoản cá nhân, fanpage giả mạo thông tin chuyên trang tuyển dụng, các công ty, tập đoàn lớn rồi gửi thông tin trực tiếp qua tin nhắn cho NLĐ tìm việc. Những công việc “ảo” không chỉ khiến NLĐ mất tiền, mất công sức mà còn bị chiếm đoạt tiền. Do vậy, để tránh bị “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, NLĐ cần cảnh giác với các tin nhắn tuyển dụng không kiểm chứng.
Nên tìm việc làm ở những nơi uy tín
Chị Nguyễn Thị Linh, nhân viên nhân sự một công ty cung ứng lao động tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay, đối với các trang tuyển dụng chính thống của DN đều giới thiệu công việc cụ thể, rõ ràng và mức lương, thời gian làm để NLĐ dễ dàng lựa chọn công việc phù hợp. Đặc biệt, NLĐ không phải đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào mà chỉ cần điền thông tin vào hồ sơ do DN cung cấp và được hẹn đến trực tiếp công ty để phỏng vấn và nhận vào thử việc trước khi làm chính thức.
Nhiều thông tin đăng tuyển lao động trên mạng với nhiều lời hứa hẹn về thu nhập để dụ người lao động |
Cũng theo chị Linh, nếu tỉnh táo và đề phòng, NLĐ sẽ rất dễ nhận biết các thông tin tuyển dụng lừa đảo trên mạng với yêu cầu nạp tiền mở tài khoản để được vào làm việc hoặc bỏ tiền mua sản phẩm dùng thử để được cấp mã bán hàng, chốt đơn hàng. Vì đa số các trang tuyển dụng này không có địa chỉ cụ thể và tên DN. Để có thể tìm được công việc phù hợp, NLĐ nên đến các DN trực tiếp tuyển dụng hoặc các trung tâm, công ty giới thiệu việc làm uy tín tìm việc để tránh bị lừa tiền mà việc không xin được. Các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, NLĐ khi sử dụng mạng xã hội tìm việc không nên truy cập vào những liên kết lạ và không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, website chính thức của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đưa ra cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức mời chào tham gia kiếm tiền trực tuyến thông qua việc xem video, đọc báo nhưng phải nộp tiền để kích hoạt tài khoản. Với số tiền đóng từ 200-250 ngàn đồng mỗi lượt đăng ký, những kẻ lừa đảo sẽ thu về số tiền rất lớn.
Trước thực trạng NLĐ bị lừa khi tìm việc qua mạng, Bộ LĐ-TBXH khuyến cáo, khi làm cộng tác viên cho các DN hoặc đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Lan Mai
.