Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, 75 % kinh phí công đoàn đã dành để chăm lo cho người lao động ở cấp cơ sở. Đại đa số các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc duy trì mức kinh phí công đoàn 2%.
Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Nên duy trì 2% kinh phí công đoàn
Đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho biết, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả từ năm1957 – khi Luật Công đoàn được ban hành lần đầu tiên. Mục đích của quy định nhằm chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở.
Lãnh đạo Công đoàn Việt Nam trao quà và chụp hình lưu niệm cùng người lao động tỉnh Bình Dương trong chương trình “Chuyến bay Công đoàn 2024″(Ảnh: T.L). |
Theo đại biểu Trần Nhật Minh, việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết: “Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, như thăm hỏi, ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật, các hoạt động về văn hóa thể thao của đoàn viên công đoàn và người lao động”.
Với đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), việc đảm bảo duy trì kinh phí công đoàn 2% còn đảm bảo sự độc lập của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) cho rằng qua thực tiễn, nguồn thu 2% là cơ sở quan trọng giúp công đoàn xây dựng đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động. Qua đó tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa công đoàn và người lao động ngày càng tốt hơn.
Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng việc duy trì kinh phí công đoàn để chăm lo cho đoàn viên, người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Sửa luật để Công đoàn Việt Nam càng lớn mạnh
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – đã giải trình, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam trân trọng tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp thu chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt và thể chế hoá sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện của Đảng đối với tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu (Ảnh: T.L). |
Nêu rõ mục đích của việc sửa đổi Luật Công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam cho biết: “Luật Công đoàn sửa đổi phải làm sao để Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả và thu hút đông đảo người lao động tham gia”.
Đồng thời, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện vừa qua. Sửa Luật có tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về kinh phí công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam nhận định đại đa số các đại biểu đồng tình với mức 2%. Trong quá trình soạn thảo, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn. Theo đó, trong 2 % kinh phí công đoàn thì có tới 75% được để lại công đoàn cơ sở nhằm chăm lo cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Ông Nguyễn Đình Khang hoan nghênh trong thực tế, các chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động.
Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo Luật công đoàn sửa đổi. Đó là với những khó khăn của doanh nghiệp gặp khó khăn, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế tại Điều 30 thêm quy định miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Liên quan tới việc gia nhập và hoạt động trong Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đồng tình với quy định cho phép người lao động nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động trong Công đoàn Việt Nam. Điều này phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cụ thể được thể hiện trong dự thảo luật tại Điều 5 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam nhằm hạn chế những tác động tiêu cực nếu có. |
Nguồn: https://thoidai.com.vn/chu-tich-tong-ldld-viet-nam-75-kinh-phi-cong-doan-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-o-co-so-206452.html