Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 24/10, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn đối với quy định của dự thảo luật về việc người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc chuyển làm công việc khác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp.
Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn
Đề nghị bỏ quy định “có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở” tại khoản 2, Điều 28, đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Cạn) lý giải, thành viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng. Việc quy định cần có văn bản thỏa thuận của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở có thể sẽ không thỏa mãn tính minh bạch và không thực sự phù hợp. Do vậy, cần sửa quy định là chỉ cần có văn bản thỏa thuận của Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp.
Đồng quan điểm với đại biểu Hà Sỹ Huân, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, khoản 2 Điều 27 quy định các ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động trả lương, do đó nếu quy định như dự thảo luật dễ xảy ra trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu hoặc ép buộc Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đồng ý, thỏa thuận, gây thiệt thòi cho cán bộ công đoàn khi bị sa thải, thôi việc, từ đó dẫn đến tâm lý cán bộ công đoàn cơ sở không dám đấu tranh vì người lao động. Quy định cần có ý kiến bằng văn bản của Ban chấp hành Công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ nhằm bảo vệ quyền lợi cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Cũng theo đại biểu Trần Nhật Minh, khoản 3 Điều 28 quy định còn chung chung, chưa rõ công đoàn cấp nào chịu trách nhiệm bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở khi bị chấm dứt hợp đồng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quy định này, nên quy định đây là trách nhiệm của tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở. Đại biểu đề xuất sửa đổi lại theo hướng, trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp, nếu được ủy quyền thì Công đoàn cấp trên cơ sở đại diện khởi kiện tại tòa để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ công đoàn.
Giao Tổng Liên đoàn tự quyết việc phân phối kinh phí
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 31), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (khoản 1); rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn (khoản 2); không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa. Đồng thời bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn” (khoản 4); giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Tán thành với việc không quy định cụ thể về phương án phân phối kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, song đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, cần nghiên cứu quy định đảm bảo cơ chế thực hiện nội dung này. Việc phân phối kinh phí công đoàn nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định như trước, đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý. Tùy theo nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp, để đảm bảo quyền tự quyết trong công việc.
Nhìn nhận quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất với Chính phủ khi ban hành tiêu chí định mức chi tài chính công đoàn “sẽ làm tăng thêm thủ tục, gây khó khăn cho hoạt động của công đoàn, cách thức thực hiện rất không khả thi”, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) lý giải, từ trước đến nay, Tổng Liên đoàn căn cứ định mức chi tiêu của Nhà nước để xây dựng các tiêu chí, ban hành quy định sử dụng tài chính trong tổ chức hoạt động của mình trên cơ sở Nghị định 191/2013/NĐ-CP.
“Kết quả thẩm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính công đoàn, báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn cũng không có vướng mắc gì. Vì vậy, giao cho Tổng Liên đoàn tự quyết và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật là phù hợp. Tôi đề xuất cân nhắc bỏ quy định “sau khi thống nhất với Chính phủ”, nhằm tạo sự chủ động trong hoạt động công đoàn, phù hợp với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu Phước nói.
Cũng băn khoăn về quy định này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nhìn nhận, hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Chính phủ không can thiệp vào hoạt động công đoàn, việc thu chi tài chính công đoàn vẫn phải đảm bảo theo các quy định của hệ thống kế toán và được thanh tra, kiểm toán hàng năm… Hơn nữa, theo quy định của dự thảo Luật, sau khi thống nhất với Chính phủ thì thẩm quyền quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức, phân phối tài chính công đoàn vẫn là Tổng Liên đoàn, do vậy quy định thêm một bước “thống nhất với Chính phủ” chỉ là thêm thủ tục, tăng thêm thời gian.
Băn khoăn về mức phí công đoàn
Tranh luận về vấn đề đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích, kinh phí công đoàn 2% được duy trì từ năm 1957 là hợp lý, bởi người lao động thời kỳ này chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước. Kinh phí trích ra do Nhà nước cấp. Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quy định này không còn hợp lý. Số lượng doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay rất lớn, nhiều doanh nghiệp có đông người lao động.
Theo đại biểu Trí, đóng phí công đoàn 2% sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp có đông lao động, đến mức doanh nghiệp không thể mở rộng được, thậm chí không duy trì hoạt động được, đầu tư FDI sẽ bị giảm và người lao động sẽ thất nghiệp. Hậu quả càng nặng nề hơn khi có doanh nghiệp trốn đóng, không tham gia công đoàn. Đại biểu đề nghị đối với doanh nghiệp có 500 người lao động thì phí là 2%. Doanh nghiệp từ 500 – 3.000 người, phí là 1,5%. Doanh nghiệp trên 3.000 người có mức phí 1%. Luật cũng cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về phương diện quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, văn hóa, giải trí của người lao động.
Baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/de-xuat-giao-tong-lien-doan-lao-dong-tu-quyet-viec-phan-phoi-kinh-phi-cong-doan-20241024133328227.htm