Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), chị Lý Thị Ninh đã thành lập “Tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm”, tập hợp chị em người Mông cùng phát triển hàng thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Sáng lập viên tâm huyết
Lớn lên bên những khung cửi xe lanh, nhuộm chàm ở thôn Dề Thàng (xã Chế Cu Nha), chị Lý Thị Ninh luôn trăn trở làm sao giữ được nghề truyền thống, đồng thời có thể phát triển kinh tế. Với mong muốn đó, chị Ninh đã nghiên cứu cách th
ức sản xuất, tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm và mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị đã vận động chị em phụ nữ trong thôn cùng thành lập Tổ hợp tác sản xuất hàng thổ cẩm địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, chị Ninh cho biết, những ngày đầu thành lập vào năm 2019, Tổ hợp tác có 23 thành viên. Nhiều chị em tự ti vì không thạo tiếng phổ thông nên gặp khó khăn trong giao tiếp. “Tôi đã thuyết phục chị em cứ tham gia sản xuất, tôi sẽ đi tìm mối bán hàng. Tuy nhiên, mọi việc khó khăn hơn mình tưởng”, chị Ninh nhớ lại.
Với sự động viên của Hội LHPN xã, chị Lý Thị Ninh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực về kinh tế tập thể, kỹ năng quản lý, điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý do Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức.
Chị cũng kết nối nhiều nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận được đơn hàng sản xuất theo mẫu đặt hàng của đối tác chuyên kinh doanh mặt hàng thổ cẩm. “Thời gian đầu, chị em trong Tổ chưa quen với việc sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng chúng tôi quyết tâm nghiên cứu các mẫu mã, đưa ra cách thức sản xuất phù hợp, từ đó mới tháo gỡ được những khó khăn”, chị Lý Thị Ninh cho hay.
Hình mẫu trong phát triển sản phẩm “xanh”
Từ khi Tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm đi vào hoạt động ổn định đã tạo việc làm và thu nhập đều đặn cho các thành viên. Chị Lý Thị Xá, một thành viên của Tổ hợp tác, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ làm nương làm rẫy, mùa màng tùy thời tiết mà có lúc đói lúc no.
Từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm, tôi có thêm thu nhập. Mừng nhất là kể cả những ngày mưa gió, lúc nông nhàn, mình đều có việc làm, có thu nhập. Nhiều chị lớn tuổi, không còn sức làm nông cũng có thể làm tại nhà và có nguồn thu nhập”.
Hàng năm, Tổ hợp tác đều đặn sản xuất, cung ứng hàng thổ cẩm đến các đầu mối tiêu thụ. Số lượng thành viên trong Tổ hợp tác ngày càng tăng. Đến nay, Tổ hợp tác có 47 thành viên, thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Hờ Thị Dê, Chủ tịch Hội LHPN xã Chế Cu Nha, cho biết, ngay từ những ngày đầu, Hội LHPN xã đã ủng hộ ý tưởng, việc làm của Tổ hợp tác. “Chúng tôi coi đây là một mô hình mẫu trong việc phát triển sản phẩm “xanh”. Trong quá trình sản xuất, chị em đều sử dụng những chất liệu như vải lanh, nhuộm chàm từ các nguyên liệu tự nhiên theo phương pháp thủ công.
Mô hình này ngoài việc tạo mặt hàng sản xuất tại chỗ còn góp phần trở thành sản phẩm du lịch bản địa, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số tại địa phương”, bà Hờ Thị Dê nhấn mạnh.
Thực hiện kế hoạch của Hội LHPN tỉnh Yên Bái về thực hiện Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 26/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ tỉnh Yên Bái đến năm 2030”.
Hội LHPN xã Chế Cu Nha đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn nói chung và “Tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm” nói riêng;
vận động chị Ninh cũng như các chị em tham gia quản lý các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn xã tích cực tham gia các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kết nối tiêu thụ sản phẩm do Hội tổ chức.
Trong thời gian tới, Hội LHPN xã Chế Cu Nha sẽ tiếp tục có những hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể để “Tổ hợp tác sản xuất thổ cẩm” đủ điều kiện chuyển đổi thành hợp tác xã, nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của thị thường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho phụ nữ địa phương.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/yen-bai-to-hop-tac-phat-trien-kinh-te-tu-nghe-truyen-thong-202410241128459.htm