Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023), báo Pasaxon – cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân nhân cách mạng Lào (NDCM Lào) ngày 8/5 đã dành phần lớn một trang để đăng trang trọng bài viết mang tiêu đề “69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Bài báo viết, Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược quan trọng nằm ở tỉnh Điện Biên, giáp với Lào và Trung Quốc. Tháng 7/1953, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện “Kế hoạch Nava” với hy vọng nhằm bao vây toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, tiêu diệt lượng lớn lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam hòng biến Việt Nam thành căn cứ quân sự lâu dài của quân xâm lược… Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp thông qua nghị quyết nhất trí mở chiến dịch Điện Biên Phủ; Cử Đại Tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận…
Bài báo nhấn mạnh chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm, chia làm 3 đợt lớn: Đợt 1 bắt đầu từ ngày 13-17/3/1954, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, buộc địch tại cứ điểm bản Kéo đầu hàng, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đợt tiến công thứ hai bắt đầu từ 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân đội Việt Nam đã đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Thắt chặt vòng vây, chia cắt và tấn công kiểm soát được sân bay Mường Thanh nhằm cắt nguồn tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Theo báo Pasaxon, sự tấn công dữ dội của quân và dân Việt Nam đã khiến quân Pháp hoảng sợ, Điện Biên Phủ khi đó trở thành hố địa ngục chôn sống quân thù.
Trong đợt tấn công thứ ba, ngày 1-7/5/1954, quân và dân Việt Nam mở đợt tổng công kích tấn công vào sào huyệt của địch, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng.
Cơ quan ngôn luân của Đảng NDCM Lào khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh đỉnh cao, là cuộc thử sức toàn diện nhất, cuộc chiến đấu ác liệt nhất giữa một bên là Quân đội Nhân dân Việt Nam và một bên là quân xâm lược Pháp với sự can thiệp và hỗ trợ của Đế quốc Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ tan rã lần đầu tiên trên thế giới, buộc giới hoạch định chiến lược của các nước đế quốc phải chuyển hướng sang thực hiện Chủ nghĩa đế quốc kiểu mới.
Bài báo nêu rõ Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý rằng một nước thuộc địa, nửa phong kiến, có quân đội yếu, trang bị còn thiếu thốn, nhưng nếu có sự đoàn kết thống nhất, có sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Mác-xít chân chính và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, biết cách sử dụng mọi lực lượng để tiến hành chiến tranh nhân dân thì có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược có sức mạnh kinh tế và lực lượng vũ trang mạnh, được trang bị tốt hơn nhiều lần.
Cũng theo báo Pasaxon, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, mà còn là chiến thắng của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu, cùng chống lại kẻ thù để tự giải phóng mình; nhấn mạnh chiến thắng nói trên đã dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ, buộc Chính phủ Pháp phải đồng ý ký Hiệp định Geneve về Đông Dương, thừa nhận độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia…
Kết thúc bài viết, báo Pasaxon khẳng định với Lào, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam bởi đây là chiến thắng của hai nước trước một kẻ thù chung, là minh chứng về sự phối hợp và hỗ trợ nhau không chỉ trong chiến dịch nói trên mà còn mãi mãi về sau.