Viêm nhiễm là một tình trạng khá phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo chuyên trang sức khỏe Nature Medicine, tình trạng viêm có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim, ung thư, tiểu đường và bệnh Alzheimer.
Chuyên trang sức khỏe Eating Well đã chỉ ra một số loại đồ ăn thức uống cần hạn chế khi bị viêm.
Đường bổ sung
Việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung chính là tác nhân chính gây viêm, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường và bệnh tim. Hiện nay có nhiều thực phẩm có chứa đường bổ sung như nước sốt trộn salad, gia vị, đồ ăn nhẹ…
Thịt đã qua chế biến
Một nghiên cứu được công bố năm 2022 trên chuyên san Journal of Nutrition kết luận rằng ăn nhiều thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích,… có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Nguyên nhân là do các loại thịt này chứa nhiều nitrat và chất béo bão hòa.
Thực phẩm chế biến sẵn
Nhiều người có xu hướng chọn các thực phẩm ăn liền do tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này chứa các loại hóa chất và hợp chất nhân tạo, hương liệu và chất bảo quản. Các loại chất này có thể gây kích ứng cơ thể và viêm nhiễm. Nếu cơ thể đã bị viêm, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm với các loại chất lạ này và gia tăng tình trạng viêm.
Thức ăn chứa nhiều Omega-6 (không đủ Omega-3)
Hiện nay, nhiều người đang có xu hướng tiêu thụ quá nhiều axit béo omega-6 (có trong dầu thực vật như ngô, đậu nành và hướng dương) và quá ít omega-3 (có trong cá hồi, quả óc chó, dầu oliu,..). Trong khi đó, omega-3 vốn là chất chống viêm mạnh mẽ. Ngoài ra, nghiên cứu được công bố vào năm 2021 trên chuyên san Journal of Lipids cho biết thói quen ăn uống như trên dễ gây mất cân bằng giữa 2 hàm lượng axit béo, từ đó gây ra tình trạng viêm cấp độ thấp.
Chất béo chuyển hóa
Thực tế, chất béo chuyển hóa thường được sử dụng để kéo dài thời gian sử dụng của các loại thực phẩm chế biến. Nghiên cứu được công bố năm 2021 trên chuyên san Frontiers in Immunology cho biết chất béo chuyển hóa có thể gây ra phản ứng viêm trong cơ thể và có liên quan đến các bệnh mạn tính như tiểu đường và bệnh tim.
Chất tạo ngọt nhân tạo
Hiện nay các loại thực phẩm chế biến sẵn đều chứa chất hóa học tổng hợp có vị ngọt như aspartame và saccharine. Nếu đã bị viêm ở mức độ thấp, tiêu thụ các chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây kích ứng.
Chuyên gia cho biết nên sử dụng các chất tạo ngọt đến từ thực vật như stevia. Nghiên cứu được công bố vào năm 2022 trên chuyên san Food Science & Nutrition cho thấy rằng chất tạo ngọt stevia có tác dụng chống tiểu đường và hạ đường huyết. Ngoài ra, nên sử dụng đường thông thường hoặc các chất tạo ngọt đến từ mật ong hoặc cây phong.
Nguồn: https://thanhnien.vn/can-tranh-an-gi-khi-co-the-bi-viem-185240911093655895.htm