(CLO) Ngày càng có nhiều nhóm sinh viên từ Singapore đến Lào để tham gia hoạt động cộng đồng. Theo báo CNA, điều này đã khiến Lào trở thành điểm đến ưa thích hơn Campuchia và Philippines đối với các thanh niên Singapore.
Sức hút từ di sản văn hóa và lịch sử
Dù không biết nhiều về Lào, sinh viên Erwin Soh vẫn quyết tâm thực hiện bước đột phá, sang Lào trong 17 ngày để giúp đỡ một trường học địa phương.
Từ tháng 5 đến tháng 6 năm nay, sinh viên năm thứ hai ngành máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã giảng dạy và xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trường tiểu học Sanot ở một ngôi làng ngoại ô thủ đô Viêng Chăn.
Chàng trai 22 tuổi này là một trong số những thanh niên Singapore gần đây đã chọn quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á làm điểm đến cho công tác tình nguyện.
Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã nhận xét trong chuyến thăm Viêng Chăn hồi đầu tháng 10 rằng việc nhiều nhóm sinh viên từ Singapore đến Lào tham gia các hoạt động cộng đồng đã trở thành một phần của “mối quan hệ giao lưu nhân dân, củng cố tình hữu nghị” giữa hai nước.
Bà Joyce Yu, người đứng đầu các chương trình quốc tế tại tổ chức phi lợi nhuận YMCA của Singapore, cho biết: “Mối quan tâm đến hoạt động tình nguyện ở Lào ngày càng tăng, khi đây là một trong những điểm đến phổ biến nhất đối với thanh thiếu niên Singapore, thậm chí còn phổ biến hơn cả Campuchia và Philippines”.
Theo bà Joyce Yu, Lào được giới trẻ Singapore coi là điểm đến “hấp dẫn và bí ẩn” vì nơi này tương đối ít được biết đến. “Đồng thời, các trường học cũng thấy đây là điểm đến an toàn cho hoạt động tình nguyện”, bà Yu lưu ý thêm.
Tổ chức của bà Yu điều hành các dự án trên khắp Đông Nam Á, Trung Quốc và Nepal. Chương trình bắt đầu được thực hiện tại Lào vào năm 2011. Năm nay, quốc gia này chiếm một phần ba số chuyến đi nước ngoài của YMCA Singapore, với hơn 200 thanh thiếu niên đến đó tổng cộng 10 lần.
Đối với Riley Kang, nữ sinh viên khoa kỹ thuật điện và điện tử của trường Singapore Polytechnic, sức hấp dẫn của Lào nằm ở di sản văn hóa phong phú và lịch sử nhiều thăng trầm.
“Là một trong những quốc gia bị ném bom nặng nề nhất trong lịch sử, Lào vẫn đang phải vật lộn với cơ sở hạ tầng hạn chế và mối nguy hiểm từ các loại bom mìn chưa nổ ở các vùng nông thôn”.
Tháng trước, cô gái 19 tuổi này đã dành hai tuần tại trường Phuanmit ở Oudomxay, một tỉnh ở phía tây bắc đất nước, nơi cô dạy học sinh và giúp cải thiện cơ sở vật chất của trường.
Sinh viên Erwin Soh của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng mô tả Lào là “cơ hội để giao lưu văn hóa”, vì nhiều người chưa quen thuộc với đất nước này.
Tập trung hỗ trợ giáo dục và môi trường
Các hoạt động tình nguyện của thanh niên Singapore ở Lào thường bao gồm việc cố gắng cải thiện chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng tại các trường học địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức về tính bền vững của môi trường.
Theo Dự án Sabaidee của Trung tâm King Edward VII Hall thuộc NUS, nơi sinh viên Erwin Soh tham gia, một công trình xây dựng đã được thực hiện để cải thiện an toàn và vệ sinh của Trường tiểu học Sanot tại ngoại ô Viêng Chăn. Công trình này bao gồm xây dựng nhà vệ sinh, khu vực rửa tay và hàng rào.
Các tình nguyện viên cũng phát tài liệu giáo dục và dạy tiếng Anh, toán và các chủ đề liên quan đến môi trường trong khuôn khổ dự án, hiện đã bước sang năm thứ năm.
Joyce Yu, người đứng đầu các chương trình quốc tế tại YMCA Singapore cho biết tổ chức phi lợi nhuận này cũng hỗ trợ giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học và trung học tại thành phố Luang Prabang, phía bắc Lào.
Tuy nhiên, ban đầu các tình nguyện viên Singapore gặp khó khăn trong việc giao tiếp với sinh viên Lào vì họ rất nồng nhiệt nhưng lại không nói tiếng Anh trôi chảy.
Nhóm của Soh cũng đón tiếp các đồng nghiệp người Lào khi họ đến thăm Singapore. Trong khi đó, Riley Kang cũng sử dụng mạng xã hội để cập nhật cuộc sống của các học sinh Lào.
Quang Anh (theo CNA)
Nguồn: https://www.congluan.vn/ngay-cang-nhieu-sinh-vien-singapore-den-kham-pha-cuoc-song-o-lao-post318089.html