(Dân trí) – Khởi nghiệp không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là tương lai của nền kinh tế. Nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo, Chính phủ đã đưa ra chính sách giúp các doanh nghiệp vươn cao trong kỷ nguyên số.
Cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ Cơ khí tại Đại học Michigan, Nguyễn Hữu Phước Nguyên bỏ lại sau lưng nhiều cơ hội phát triển tại Mỹ, quyết tâm trở về Việt Nam lập nghiệp.
Mong muốn của anh là đi học ở nước ngoài để trau dồi kiến thức rồi quay về cống hiến cho quê hương. “Cách đây khoảng 10 năm, Apple từng đề nghị tôi tham gia dự án xe điện của họ, lúc đó còn là dự án bí mật. Nhưng tôi tin rằng ở Việt Nam, mình có thể đóng góp nhiều hơn, không chỉ dừng ở vị trí một kỹ sư bình thường”, ông Nguyên bộc bạch.
Trở về nước, ông đầu quân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Sau 4 năm cống hiến, Nguyên nghĩ tới chuyện thay đổi công việc, hướng tới những sản phẩm có tính ảnh hưởng xã hội lớn hơn.
“Tương lai của giao thông sau xe xăng sẽ là xe điện thông minh kết hợp với công nghệ”, ông Nguyên chia sẻ về lý do chọn xe điện thông minh để khởi nghiệp.
“Tôi luôn có niềm tin Việt Nam mình hoàn toàn có thể trở thành một đất nước phát triển như Hàn Quốc. Mình sẽ cần những công ty có chiều sâu. Muốn vậy thì cần thay đổi cách nghĩ và phải làm những việc dài hơi hơn, tạo giá trị lớn và bền vững hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nguyên kể.
“Giấc mơ khi ấy của tôi là xây dựng Selex trở thành một công ty lớn như Hyundai của Hàn Quốc”.
Theo ông, kỷ nguyên mới của Việt Nam sẽ là kỷ nguyên phát triển bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần có tư duy mới, phải làm được sản phẩm công nghệ bán được ra nước ngoài.
Từ đó, vươn mình về hàm lượng chất xám, giá trị tạo được trong chuỗi giá trị và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, tạo ra giá trị mang tính đột phát để vươn mình, thịnh vượng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Sau hơn 6 năm phát triển, Selex Motors đã phát triển nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Hà Nội với công suất lớn, hơn 80% linh kiện được sản xuất trong nước. Công ty cũng đã trở thành đối tác đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với Samsung SDI để cung cấp pin chính hãng đồng thời nhận được đầu tư từ Ngân hàng Phát triển châu Á.
Trong những năm gần đây, công ty cũng liên tiếp đón nhiều vị lãnh đạo quốc tế tới thăm. Một trong những kỷ niệm thú vị nhất đối với CEO Phước Nguyên là chuyến thăm của bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi mình là doanh nghiệp duy nhất được bà Bộ trưởng chọn trong danh sách đề xuất dài của Đại sứ quán Mỹ. Qua chuyến thăm của bà Yellen, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục phát triển, tự làm chủ công nghệ để có thể trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới”, anh Nguyên chia sẻ ấn tượng về chuyến thăm đặc biệt này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc xe điện của Selex Motors đang là sản phẩm “Made by Vietnam” 80%, liệu có thể đạt 100% hay không, CEO Phước Nguyên tự tin khẳng định: “100% là chuyện làm được. Nhưng có lẽ không cần thiết bởi nhiều bộ phận của xe do mình làm có thể sẽ không cạnh tranh được về giá. Chuỗi cung ứng toàn cầu có tính chuyên nghiệp hóa cao. Quan trọng là mình làm chủ được thiết kế, công nghệ và làm chủ chuỗi cung ứng”.
Ông Nguyên cũng cho rằng hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ phát triển xe điện rất mạnh mẽ. Ông dẫn chứng Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã triển khai chính sách hỗ trợ 400-500 USD cho mỗi chiếc xe máy điện bán ra.
Bên cạnh đó, các nước cũng hỗ trợ về thuế, phí để khuyến khích người dân mua xe máy điện, dần tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh. Đối với nhà sản xuất, lắp ráp xe điện, các chính phủ cũng hỗ trợ về thuế, phí, đất đai và có chính sách bảo hộ để doanh nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó giám đốc điều hành dự án E2E (Entertainment & E-commerce – giải trí kết hợp thương mại), chia sẻ rằng E2E là dự án khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực giải trí và livestream bán hàng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức mua yếu.
Dự án ra đời với mục tiêu xây dựng một nền tảng giải trí kết hợp mua sắm trực tuyến, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại và đẩy mạnh phong trào “Hàng Việt Nam” trên nền tảng online. Theo đó, E2E được phát triển trên nền tảng TikTok, do Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO là nhà đầu tư chính và TikTok hỗ trợ trong việc tạo lưu lượng truy cập.
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng, dự án này hướng tới việc xây dựng một cộng đồng người tiêu dùng rộng lớn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến thương mại, phát triển kinh doanh, và mở rộng thị trường thông qua việc tối ưu hóa hoạt động livestream bán hàng.
Trong quý III vừa qua, start up này đã đạt được mức tăng trưởng 72% và nhiều thành tựu. Tuy nhiên, là dự án tiên phong, E2E cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi kết hợp 2 lĩnh vực giải trí và thương mại điện tử.
Việc vừa tăng trưởng doanh số vừa tạo ra nội dung giải trí hấp dẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh trực tuyến luôn đòi hỏi sự thay đổi và tối ưu hóa không ngừng. Để duy trì đà phát triển, E2E đã áp dụng công nghệ và hệ thống quản lý vận hành tiên tiến, số hóa các quy trình để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Dự án không chỉ đặt mục tiêu phân phối các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, mà còn giúp các doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối trực tuyến, tạo đầu ra mới cho sản phẩm trong nước.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP, nền tảng kết nối thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở giữa doanh nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp, cho rằng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đang có những bước phát triển nhờ những định hướng của Chính phủ tập trung cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) 2024, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Điều này có được nhờ vào các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp quan trọng của Chính phủ như Quyết định số 844 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Quyết định số 939 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025″…
Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, loạt doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn buộc phải rút khỏi thị trường. Bà Quỳnh cho rằng trong năm nay, các doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn rất khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia Cấp cao Nghiên cứu và Phát triển Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), nhận định rằng các start up Việt Nam còn nhỏ, chậm lớn và đang phải đứng trước nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào “đè bẹp”.
“Tầm ảnh hưởng của start up với nền kinh tế còn nhỏ, chưa tương xứng với nguồn nhân lực và mong mỏi từ Chính phủ”, bà Dung nhận định.
Bà Dung cho rằng các chính sách Chính phủ dành cho start up chưa đến ngưỡng để doanh nghiệp có thể đạt được đột phá và chưa có nhiều ưu đãi về thuế cho vay, thuế sản phẩm cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có cơ chế về vốn ưu đãi, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chưa có nhiều… gây khó khăn cho các start up trong việc huy động vốn. Thậm chí, nhiều start up Việt phải “đội mũ” Singapore hoặc Hàn Quốc để dễ dàng hơn trong việc thu hút vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài.
“Vốn như máu để nuôi doanh nghiệp. Các start up rất cần vốn nhưng họ lại gặp khó vì vừa không vay được, vừa không có quỹ đầu tư nội địa”, bà Dung chia sẻ.
Chính vì vậy, bà Dung nhận định rằng Việt Nam cần có chính sách đặc thù cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc những chính sách về vốn, ưu đãi thuế… cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà cho rằng các start up Việt hiện rất cần có những chính sách đột phá để có nhiều “vườn ươm” chất lượng hơn. Đó chính là các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có đủ trình độ, kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo ra môi trường khởi nghiệp chất lượng cho các doanh nghiệp.
“Để có nhiều gà con thì phải có nhiều lồng ấp. Để có nhiều start up ra đời, đóng góp vào nền kinh tế thì phải có nhiều vườn ươm, đơn vị tư vấn để hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp”, bà Dung chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Quỳnh cho rằng các lĩnh vực khởi nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn đi sau thế giới. Vậy nên, Chính phủ cần đưa ra những chính sách nhanh và hiệu quả hơn để hỗ trợ, tạo động lực mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
“Cần có chính sách sâu hơn để giúp start up sống, có thị trường và có khách hàng. Chúng ta có thể khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp mở cửa mở cửa đón nhận, hợp tác với start up để giúp họ phát triển. Ngược lại, các start up cũng có thể giúp doanh nghiệp thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới sáng tạo”, bà Quỳnh bày tỏ.
Kính thưa quý độc giả,
Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn với những vận hội và thách thức đan xen. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế gay gắt, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, lo lắng về đạo đức xã hội…
Trong bối cảnh đó, việc nhận thức rõ những đặc trưng, thời cơ và thách thức của kỷ nguyên mới là hết sức quan trọng. Tuyến bài “Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam” trên báo Dân trí sẽ phân tích sâu sắc những vấn đề then chốt, góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi lớn:
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam được hiểu như thế nào? Đâu là những dấu mốc, sự kiện quan trọng khẳng định bước chuyển mình của đất nước?
Những cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới là gì? Làm thế nào để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững?
Vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới?
Chúng tôi hy vọng tuyến bài sẽ góp phần khơi dậy niềm tin, khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ky-nguyen-doi-moi-sang-tao-buoc-chuyen-minh-cua-cac-start-up-viet-20241023191634137.htm