Ngân hàng Nhà nước (SBV) vừa gửi Quốc hội Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó đề cập tới tiến độ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao
Theo SBV, để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24, thời gian qua, SBV đã tổ chức họp lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội; lấy ý kiến văn bản về Dự thảo tổng kết, đánh giá Nghị định 24, bổ sung kinh nghiệm quốc tế. SBV đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28/TTr ngày 20/3 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24, trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị, nhằm thực hiện chức năng quản lý thị trường vàng thời gian tới.
Phía SBV đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hướng dẫn các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng ở cơ sở.
Ngoài ra, SBV đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật; đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, SBV cũng đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường; phối hợp vớiBộ Công an và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả các phương án can thiệp.
“Với những giải pháp đồng bộ của SBV và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát và duy trì với biên độ phù hợp. Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô”, báo cáo SBV nêu.
Giải pháp bình ổn vàng chưa thực sự bền vững
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước xáo trộn. Giá vàng trong nước tăng cao do giá vàng thế giới tăng mạnh và mất cân đối cungcầu, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao.
Để góp phần giải quyết bất cập của thị trường vàng, ông Ngô Trí Long kiến nghị trong giải pháp cấp bách, cơ quan chức năng cần cho nhập khẩu vàng chính ngạch để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung. SBV chỉ nhập khẩu lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt. “Giải pháp bình ổn hiện nay của SBV vẫn chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng, do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế”, ông Ngô Trí Long cho biết.
Do vậy, cần khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24 về kinh doanh vàng, cơ quan chức năng cần tạo lậphệ thống phân phối trên thị trường, cho phép người dân có điều kiện giao dịch thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những xung đột chính trị và quân sự hiện nay tại Ukraine, Trung Đông và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã và đang có tác động đẩy mạnh giá vàng thế giới, vì nhà đầu tư xem vàng như nơi trú ẩn an toàn chống khủng hoảng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục mua vàng để tăng dự trữ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu và biến động của các ngoại tệ. Vàng vẫn được xem là cấu phần quan trọng và ổn định trong danh mục dự trữ Quốc gia.
“Giải pháp lâu dài về quản lý bền vững thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 theo hướng: SBV giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín và khả năng tài chính, tập trung vào vai trò là nhà quản lý thay vì trực tiếp tham dự vào thị trường vàng. Với vai trò là nhà quản lý và giám sát thị trường vàng, SBV giao chỉ tiêu nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng được SBV cho phép nhập khẩu. Ngoài ra, cần thành lập sàn vàng Quốc gia và cho phép các quỹ đầu tư vàng phát hành chứng chỉ vàng; đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư vào các quỹ này thay vì giữ vàng vật chất tại nhà riêng”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Chiều 22/10, đà tăng của vàng nhẫn vẫn chưa giảm, giá vàng nhẫn tròn gần vượt 87,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. So với cuối phiên chiều 21/10, mức này tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Nếu so với đầu năm, giá vàng nhẫn hiện tăng khoảng 24 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 38%. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn.
Theo Báo Tin tức
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ngan-hang-nha-nuoc-thong-tin-tien-do-sua-nghi-dinh-24-cp-quan-ly-thi-truong-vang/20241023065402265